Bến Tre nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển bền vững và nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Thành viên HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) chăm sóc cây cảnh.

Theo đó, tỉnh sẽ đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn pháp luật về hợp tác xã nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; tăng cường tổng kết, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả. Tỉnh chú trọng hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép với chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; từ đó thành lập một số mô hình điểm đối với hai loại hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh ưu tiên các giải pháp hỗ trợ hợp tác xã về khoa học - công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, thị trường...

Về lâu dài, Bến Tre sẽ xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành, phát triển đa dạng phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng của mỗi địa phương. Mỗi huyện lựa chọn và chỉ đạo điểm xây dựng một số hợp tác xã kiểu mới trên các lĩnh vực nông nghiệp; thương mại dịch vụ cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm; vận tải…

Trên cơ sở các mô hình này, tiến hành tổng kết, tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng nhiều loại hình hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời củng cố lại hoạt động của các hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; vận động hợp tác xã thu hút thêm thành viên; hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành, nghề và địa bàn để tăng tiềm lực tài chính và quy mô của hợp tác xã; giải thể các hợp tác xã kém hiệu quả, hoạt động hình thức.

* Thái Nguyên khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên đề ra nhiều chương trình, giải pháp nhằm phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; triển khai các mô hình sản xuất, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn, hình thành các mô hình liên kết và sản xuất theo chuỗi...

Đến nay TP Sông Công đã có ba mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao; đang tiếp tục thu hút đầu tư các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm đầu tư vào địa bàn…

Tại huyện Định Hóa, diện tích chè trồng mới, trồng thay thế đạt hơn 168 ha; sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 24 nghìn tấn bằng 103% kế hoạch; diện tích trồng rừng đạt 1.505 ha, bằng 108% kế hoạch.

Năm 2018, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục coi trọng quản lý tài nguyên thiên nhiên; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tập trung cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

PV vàTTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35959602-ben-tre-nhan-rong-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi.html