Bến Tre, người dân chuẩn bị hứng chịu triều cường ở mức cấp độ 2

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất hằng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong tỉnh Bến Tre bắt đầu lên dần từ ngày 14, 15/3/2018 và có khả năng ở mức rất cao từ ngày 17 đến 22/3/2018. Mực nước đỉnh triều cao nhất trong đợt triều cường xuất hiện trong các ngày 19, 20/3/2018.

Sạt lở đã phá hủy nhiều công trình tại bờ biển Cồn Bửng

Tại các điểm trong tỉnh, dự báo mức triều cường có khả năng như sau: Chợ Lách từ 168 – 178cm (thấp hơn mức triều cường lịch sử từ 21 – 27cm); Mỹ Hóa từ 158 – 168cm (thấp hơn mức triều lịch sử từ 15 – 21cm); tại An Thuận (Tiệm Tôm) từ 165 – 175cm (thấp hơn mức triều lịch sử từ 13 – 18cm); tại Bình Đại từ 165 – 175cm (thấp hơn mức triều lịch sử từ 11 – 17cm); tại Bến Trại từ 162 – 172cm (thấp hơn mức triều lịch sử 18 – 24cm).

Với mức triều cường dự báo như trên, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai do triều cường trên địa bàn tỉnh cấp độ 2. Các địa phương cần có kế hoạch bảo vệ, gia cố hệ thống đê bao, chủ động đối phó với tình hình ngập úng, sạt lở do triều cường kết hợp với gió Đông, đặc biệt là khu vực trũng thấp, khu vực các cồn, cù lao ven sông, ven biển.

Ngoài ra, hiện nay Khu du lịch Cồn Bửng, thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, đang xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ biển và thiệt hại do bị xâm thực biển ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền và nhân dân địa phương tại đây đang tích cực phòng, chống sạt lở đang tàn phá kết cấu hạ tầng các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia, kể cả rừng phòng hộ ven biển.

Theo thống kê của UBND xã Thạnh Hải, tính từ năm 2013 cho đến nay (ngày 10-3-2018), xâm thực đã gây sạt lở hơn 100ha đất ven bờ biển thuộc xã Thạnh Hải (Cồn Bửng, Cồn Lợi). Riêng những tháng cuối năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018, sạt lở đã làm mất trên 30ha đất.

Gây ảnh hưởng nặng nhất là đợt triều cường con nước rằm tháng Chạp 2017 và triều cường trong tháng Giêng 2018. Khu vực ấp Thạnh Thới B (Cồn Lợi) bị sạt lở sâu vào đất liền hơn 100m (chủ yếu là đất giồng cát); đã sụp lún đến gần khuôn viên hàng rào của Trạm Kiểm soát Biên phòng cồn Lợi. Tại khu vực Cồn Bửng, đã xảy ra sạt lở từ bãi tắm Tây Đô đến khu rừng dương với chiều dài hơn 2,9km và phá hủy đất đai cùng nhiều công trình xây dựng.

Tại bờ biển Cồn Bửng có nhiều công trình của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch đã bị sụp lún hoàn toàn, chủ cơ sở phải di dời điểm kinh doanh tới nơi khác, có người đành phải bỏ nghề.

UBND huyện Thạnh Phú cũng đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát; tiến hành vận động các hộ dân, hộ kinh doanh xây dựng bờ kè chống sạt lở tại Cồn Bửng. Do xâm thực quá mạnh, sức tàn phá của triều cường quá lớn nên chi phí cho việc xây dựng bờ kè kiên cố quá cao; bình quân một mét bờ kè phải tốn chi phí từ 15-20 triệu.

Hướng Dương (t/h)

Nguồn MT&CS: http://moitruong.net.vn/ben-tre-nguoi-dan-chuan-bi-hung-chiu-trieu-cuong-o-muc-cap-2/