Bến Tre: Ngày đầu tiên chợ vùng dịch không có thịt lợn

Ngày 3/7, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre - địa phương vừa công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, các sạp thịt lợn trong chợ đều vắng bóng tiểu thương và trên các kệ cũng không có sản phẩm thịt lợn.

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo các tiểu thương, sau khi địa phương xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, UBND xã ra thông báo tạm ngưng giết mổ lợn để bán trên địa bàn xã từ sáng 3/7 do chưa có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng và chờ UBND xã ra thông báo mới.

Tiểu thương Nguyễn Thị Văn cho biết, mới ngày hôm qua tôi vẫn bán thịt lợn bình thường cùng các mặt hàng nông sản, nhưng hôm nay chỉ bán các loại rau, củ vì thực hiện lệnh tạm ngưng của UBND xã.

Có mặt tại chợ xã Thạnh Phú Đông, điều dễ nhận thấy là các bà nội trợ có chút bối rối, song qua tìm hiểu họ đã có những tính toán, lựa chọn các món khác cho bữa cơm hằng ngày của gia đình khi chợ tạm thời không bán thịt lợn.

Bà Trần Thị Phượng, xã Thạnh Phú Đông cho biết, bà khá ngạc nhiên khi hôm qua ra chợ các sạp thịt lợn vẫn còn hoạt động, nhưng sáng nay thì vắng hoe, không còn sạp nào bán nữa. Chủ các quán cơm sườn, bán hủ tiếu “nhốn nháo” vì không có nguyên liệu để bán và ai cũng trông đợi qua "trận dịch" này để mọi thứ trở lại bình thường.

Trong khi đó, gia đình bà Trần Thị Mít, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm có cháu nhỏ rất thích ăn thịt lợn nên buổi chợ không có thịt lợn khiến bà cũng băn khoăn lựa chọn mua thực phẩm cho bữa ăn gia đình.

“Lệnh cấm bán thịt lợn kéo dài lâu ngày thì cũng bất tiện. Nếu một hoặc hai ngày không có thịt lợn thì đổi món như: thịt bò, ếch, gà... và thời gian kéo dài chắc phải sang xã khác mua”, bà Mít tâm sự.

Xã Thạnh Phú Đông hiện có đàn lợn hơn 7.000 con với 213 hộ chăn nuôi và 11 lò giết mổ nhỏ lẻ. Chiều 3/7, các ấp trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông đã tiến hành phân phát thuốc tiêu độc khử trùng để người chăn nuôi, cán bộ thú y phun xịt, khử trùng chuồng trại.

UBND xã cũng đã ban hành công văn đến các ấp, tuyên truyền cho các cơ sở giết mổ ngưng giết mổ, buôn bán thịt heo trên địa bàn xã cho đến khi có giấy kiểm dịch an toàn và công bố hết dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Chờ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, ngay sau khi trên địa bàn xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã phối hợp dập dịch, không để dịch lây lan ra trên diện rộng.

UBND xã cũng tuyên truyền cho người dân khi có lợn chết phải báo ngay với chính quyền địa phương xử lý, không được giấu dịch, không được vứt xác lợn chết để tránh lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, trong tuần đầu khi xuất hiện dịch bệnh, UBND xã khuyến cáo các hộ chăn nuôi mỗi ngày phải phun xịt, khử trùng chuồng trại một lần, bước sang tuần thứ hai thì phun xịt, khử trùng chuồng trại 3 ngày/lần.

Ông Nguyễn Văn Chờ cũng cho biết, địa phương đã thành lập 5 chốt trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông để chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh 24/24h. Đồng thời UBND xã đã gửi thông báo cho người dân, các cơ sở giết mổ khi vận chuyển lợn ra, vào phải có giấy kiểm dịch lợn âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, ngày 2/7, UBND huyện Giồng Trôm đã công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Thạnh Phú Đông sau khi xuất hiện ổ dịch tại gia đình ông Nguyễn Văn Tiển và ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 54 con lợn.

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ben-tre-ngay-dau-tien-cho-vung-dich-khong-co-thit-lon-20190703204450798.htm