Bến Tre không còn là 'ốc đảo'

Chỉ 2 ngày nữa, Bến Tre không còn là 'ốc đảo' khi cầu Rạch Miễu được thông xe vào ngày 19.1, chính thức kết nối hai bờ nam và bắc sông Tiền.

Trong niềm vui chờ đón sự kiện lịch sử này, không khí tại thị xã Bến Tre đang nhộn nhịp như ngày hội, phố xá rợp cờ, hoa.

Ông Nguyễn Thái Xây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phấn khởi nói: “Đối với người dân Bến Tre, đây là sự kiện rất trọng đại, ước mơ được ấp ủ, mong đợi từ bao đời nay. Cả người dân và chính quyền đều quá vui mừng khi ước mơ giờ đã thành hiện thực”.

Để chuẩn bị sang giai đoạn mới sau khi thông xe cầu Rạch Miễu, ông Xây cho biết tỉnh đã rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội. Trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư vào 2 khu công nghiệp hiện có là An Hiệp và Giao Long tại huyện Châu Thành. Trong đó, ưu tiên các ngành nghề khai thác vùng nguyên liệu sẵn có như chế biến thủy sản, trái cây xuất khẩu.

Ông Xây cũng thông báo tin vui, đầu năm tỉnh vừa cấp phép 2 dự án đầu tư của Malaysia và Nhật, một nhà máy sản xuất linh kiện cho công nghiệp đóng tàu và một nhà máy sản xuất phụ tùng xe ô tô, tại xã Giao Long, huyện Châu Thành. Mặt khác, tỉnh cũng chấp thuận về chủ trương cho một doanh nghiệp tại TP.HCM triển khai 2 dự án xây dựng khu đô thị mới ở ngoại ô thị xã Bến Tre và khu du lịch, nghỉ dưỡng gần khu vực cầu Rạch Miễu, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Khởi công ngày 30.4.2002, cầu Rạch Miễu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó phần chính là cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối từ bờ Mỹ Tho sang cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, Tiền Giang) dài 1.878m, khổ cầu rộng 12m, tĩnh không thông thuyền 37,5m và trụ tháp cao 106m. Ngoài ra, còn có một cầu bê-tông dự ứng lực dài 990m, nối từ cù lao Thới Sơn với xã An Khánh (huyện Châu Thành, Bến Tre). Dự án này còn có 4 nút giao và phần đường nối hai đầu cầu dài 5.162m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng.

Còn nhớ tại buổi lễ hợp long ngày 20.8.2008, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức không giấu được niềm vui. Ông nói: “Cầu Rạch Miễu là thành tựu quan trọng của ngành xây dựng cầu VN. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành xây dựng giao thông nước ta, người VN đã tự thiết kế, tự thi công, giám sát và hoàn thành loại cầu dây văng hoàn toàn bằng công sức, trí tuệ và đồng vốn của VN. Những người thợ VN đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới và xây dựng được một cây cầu dây văng hoàn hảo”.

Từ TP.HCM về miền Tây, ngoài tuyến huyết mạch quốc lộ 1A còn có quốc lộ 50 bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh đi qua Cần Giuộc, Cần Đước (Long An) và kết thúc tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Cầu Rạch Miễu nối liền quốc lộ 60 từ Mỹ Tho đi Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, nằm trong chiến lược phát triển hành lang giao thông các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ.

Việc xây dựng cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền không những tăng cường kết cấu hạ tầng cho khu vực, giải tỏa thế cô lập, cách biệt của tỉnh Bến Tre, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM, mà còn có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội, đặc biệt là góp phần điều tiết, giảm áp lực lưu thông trên quốc lộ 1A hiện đang quá tải.

Nhìn ở góc độ khác, trong vài năm nữa, khi cầu Mỹ Lợi vượt sông Vàm Cỏ được xây dựng xong, thì tại khu vực này sẽ có 2 cây cầu dây văng là Mỹ Thuận, Rạch Miễu cùng với cầu dầm vòm thép Mỹ Lợi, sẽ tạo ra cảnh quan rất đẹp.

Hoàng Phương

Nguồn Tiền Phong: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200903/20090117000859.aspx