Bến thủy hoạt động không phép tràn lan khó xóa bỏ, vì sao?

Bến thủy không phép gây mất trật tự ATGT và thất thu ngân sách nhiều năm trên tuyến đường thủy quốc gia nhưng việc xóa bỏ chưa đến nơi đến chốn.

Lực lượng Thanh tra đường thủy phối hợp với địa phương kiểm tra, xử lý bến thủy trên sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội

Lực lượng Thanh tra đường thủy phối hợp với địa phương kiểm tra, xử lý bến thủy trên sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội

Bến hết phép, không phép nhiều hơn bến hợp pháp

Mới đây, liên ngành thanh tra đường thủy thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc phối hợp với cảng vụ đường thủy, hạt quản lý đê điều khu vực Hà Nội kiểm tra bến thủy nội địa Bà Vân trên sông Hồng (Km 235+200, địa phận phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây, Hà Nội).

Thời điểm kiểm tra, bến này chất vật liệu xây dựng và đang có hoạt động bốc dỡ. Thế nhưng, giấy phép hoạt động bến mà chủ bến xuất trình cho lực lượng chức năng đã hết hạn từ cách đây… 13 năm. Lực lượng liên ngành thống nhất xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động bến.

Đáng chú ý, hơn chục năm qua, bến thủy này cũng không ít lần bị xử phạt, đình chỉ hoạt động vì hành vi “khai thác bến thủy quá thời hạn cho phép”.

Tương tự, tại bến Bà Hạnh (thuộc địa bàn xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện giấy phép hoạt động bến đã hết từ tháng cách đây… 7 năm. Chủ bến còn “vô tư” cho biết “năm nào cũng bị lực lượng chức năng xử phạt, yêu cầu dừng hoạt động” nên đành chấp nhận “nộp phạt cho xong”.

“Bến đã làm thủ tục xin Sở GTVT cấp phép lại, nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa được nên đành chấp nhận nộp phạt để tồn tại, chứ đóng cửa thì... chết đói”, bà Hạnh (chủ bến) cho biết.

Cùng với loại bến quá hạn, hai tháng gần đây, lực lượng liên ngành kiểm tra các bến thủy trên các sông: Hồng, Đuống, Công, Cầu... phát hiện và xử lý khá nhiều trường hợp bến thủy không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Cảng, bến thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, đơn vị đang chủ trì, phối hợp lực lượng liên ngành khu vực, địa phương tổng kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia tại 15 tỉnh, thành phía Bắc và một tỉnh miền Trung.

Thống kê cho thấy có tới 492 bến thủy đã hết thời hạn giấy phép hoặc không có giấy phép hoạt động (237 bến hết hạn, 255 bến không phép) và đã kiến nghị đình chỉ hoạt động các bến trên.

“Trong phạm vi đường thủy Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II được giao quản lý, đến hết tháng 5/2020 có hơn 1.400 cảng, bến thủy nội địa, trong đó 42% số bến không có giấy phép hoạt động, 33% bến quá hạn giấy phép và chỉ 25% có phép”, ông Trung thông tin.

Theo lãnh đạo các đơn vị cảng vụ, phương tiện thủy khi vào, rời bến thủy có phép phải nộp phí trọng tải phương tiện (165 đồng/tấn trọng tải toàn phần), lệ phí cảng, bến (5.000 - 50.000 đồng/chuyến).

Tuy nhiên, cảng vụ không được phép quản lý đối với bến thủy không phép, dẫn đến không thu được phí, lệ phí cũng như kiểm soát phương tiện hoạt động tại bến quá phép, quá phép hoạt động.

Rắc rối thủ tục

Theo thống kê mới nhất của Cục Đường thủy nội địa VN, toàn quốc hiện có hơn 1.700 bến thủy hoạt động không phép (trong đó trên đường thủy quốc gia có gần 1.300 bến, hơn 400 bến trên đường thủy địa phương), chiếm 25% tổng số bến thủy.

Theo đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, tháng 12/2017, Bộ GTVT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh đã có quy hoạch bến thủy kiên quyết đình chỉ các trường hợp bến không đủ điều kiện hoạt động; đồng thời xem xét cấp phép có thời hạn đối với các trường hợp bến không nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, ATGT đường thủy.
Tuy vậy, đến nay không có bến nào được các địa phương cấp phép tạm thời, trong khi số lượng bến quá hạn phép gia tăng.

Đáng lưu ý, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ bến thủy không phép, hết giấy phép hoạt động có chiều hướng gia tăng.

Đây cũng là thời điểm thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia được chuyển giao từ các cảng vụ đường thủy cho Sở GTVT các địa phương.

“Nguyên nhân do nhiều địa phương chưa xây dựng được quy hoạch bến thủy nội địa và việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng gặp nhiều khó khăn”, Cục Đường thủy đánh giá.

Ông Nguyễn Hữu Tài, nguyên Trưởng phòng Pháp chế, Sở GTVT Phú Thọ cho biết, việc một bến thủy hoạt động lâu năm và có trong quy hoạch hoàn thiện đủ thủ tục để được cấp phép gặp nhiều khó khăn, như mặt bằng đất thực tế không đủ điều kiện theo quy định, không đấu nối được với đường giao thông...

Trong khi đó, địa phương không đồng ý với đề xuất cấp phép tạm thời cho bến hoạt động.

Ông Phạm Thế Đương, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 (Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) cho biết, ngoài một số ít bến không đủ điều kiện cấp phép, phổ biến hiện nay là các bến đủ điều kiện cấp nhưng vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục.

“Hồ sơ xin cấp phép bến thủy của tổ chức, cá nhân được các địa phương xem như một dự án đầu tư, vì vậy thủ tục hồ sơ phải theo quy định của Luật Xây dựng và còn thêm quy định của UBND cấp tỉnh.

Ông Đương nhấn mạnh: Là dự án nên phải có chủ trương đầu tư, thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; thủ tục về đất đai; chủ trương xây dựng hồ sơ thiết kế bến thủy, hoàn chỉnh và thẩm định thiết kế, lập hồ sơ hoàn công, tổ chức nghiệm thu công trình... sau đó mới đến thủ tục cấp phép bến thủy.

Cũng theo ông Đương, phần lớn bến thủy hình thành trên đất bãi bồi, ven sông (chịu ảnh hưởng của thủy văn, thời tiết nên diện tích đất không ổn định, không được xây dựng nhà cửa) nên chỉ riêng việc đáp ứng được thủ tục thuê đất với thời hạn 25 năm đối với cá nhân và 49 năm đối với doanh nghiệp đã... tắc.

“Các địa phương nên đơn giản thủ tục, trong đó quy định thời hạn thuê đất để làm bến thủy tối đa 5 năm/lần”, ông Đương gợi ý.

Huy Lộc

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/ben-thuy-hoat-dong-khong-phep-tran-lan-kho-xoa-bo-vi-sao-d468284.html