Bến sông hoa gạo

Làng tôi nằm ven một con sông lớn.

Từ làng ra bãi sông không xa. Bãi sông là nguồn sống của cả làng. Chúng tôi gắn bó với bãi sông như gắn bó với mái nhà yêu dấu của mình.

Ngày ấy, bố mẹ tôi đều đi làm xa. Bố mẹ để tôi ở nhà với ông bà nội và cô út. Là con thứ 9 trong gia đình, cô út tôi nhỏ hơn bố tôi 15 tuổi (bố tôi là lớn nhất) và hơn tôi mười tuổi. Hồi ấy, các anh chị đã lập gia đình hết, chỉ còn cô út sống với bố mẹ. Thuở đó, tuổi cô vừa độ trăng tròn. Ngày ngày cô ra bãi sông trồng trọt, thu hái, cứ tảo tần suốt cả bốn mùa như thế.

Vào mùa hoa gạo nở, mỗi buổi chiều cô tôi dừng tay sớm hơn và rủ tôi ra gốc gạo ngồi. Cũng giống cô, tôi yêu cái màu đỏ thắm thiết của hoa gạo. Cô cũng mê mải xoay những bông gạo rụng trong lòng tay rồi nhìn xa xăm ra mặt sông ngan ngát gió. Thi thoảng, một chiếc thuyền máy chở hàng chạy qua. Hai cô cháu nhìn theo chiếc thuyền hút mắt về phía xa xa. Phía ấy, chẳng biết có những gì nhưng tôi cứ tưởng tượng ra những điều mới mẻ, hấp dẫn đang đợi những người dám đi, dám đến những vùng xa xôi ấy. Đem điều này kể với cô, cô dịu dàng vuốt tóc tôi và bảo: Lớn nhanh lên mà đến những nơi đó cháu ạ!

Ngày ấy, dù còn rất ngây thơ nhưng tôi đã biết rằng cô đẹp. Bọn bạn chăn trâu cũng bảo tôi: Cô mày đẹp nhất làng. Điều ấy làm tôi sung sướng một cách rất trẻ con, y như khi mình có thứ đồ chơi đẹp mà bạn bè không có.

Học đến lớp bốn thì tôi không còn ở với ông bà. bé nên tôi phải lên ở cùng bố mẹ để bế em. Từ đó, mỗi năm tôi chỉ về thăm ông bà vào hai dịp: Nghỉ hè và nghỉ Tết. Cô út vẫn ở với ông bà dẫu tuổi thiếu nữ vơi dần theo từng mùa hoa gạo. Cô vẫn xinh đẹp, chăm chỉ và tháo vát nhưng không hiểu sao cô vẫn chẳng lấy chồng. Khi tôi mười sáu tuổi, cái tuổi đã bắt đầu biết đến những rung động đầu đời, đã biết mơ đến một hoàng tử hào hoa, trong một lần cùng cô ra bến sông nhặt hoa gạo rụng, tôi đã hỏi cô tại sao mãi chẳng lấy chồng. Tuổi cô lúc ấy ở làng đã thành gái già ế ẩm. Tôi nhìn sang, thấy ánh mắt cô thật lạ. Năm tháng cứ thế trôi đi lặng lẽ. Tôi lớn lên, học hành bài vở nhiều hơn, đồng nghĩa với việc những chuyến về quê cũng ít hơn nhiều. Một mình cô lo lắng cho ông bà, gánh vác hết phần nghĩa vụ làm con của tám anh chị đã có gia đình riêng yên ấm. Rồi cả ông, cả bà lần lượt khuất núi. Mỗi lần về lại thấy cô gầy hơn, tóc trắng hơn một ít. Sống một mình nên cô ít nói hơn nhiều.

Cô mất đột ngột vào mùa đông giá lạnh. Tôi đang công tác xa, nghe bố gọi điện chỉ biết khóc như mưa chứ không thể thu xếp về chịu tang cô được. Đêm ấy tôi thức trắng, nhớ về những kỷ niệm với cô nơi bến sông hoa gạo tuổi thơ. Đọng lại trong tôi là ánh mắt cô cứ dõi ra phía dòng sông thăm thẳm, là dáng cô ngồi chờ đợi dưới tán gạo đỏ hoa khắc khoải cả mùa xuân. Chờ đợi một điều gì đẹp lắm mà cho mãi tận bây giờ, tận khi cô không còn trên cõi đời này nữa, điều đẹp đẽ ấy vẫn chưa một lần xuất hiện.

Thanh minh, tôi về quê thắp hương cho cô ở nghĩa địa làng rồi thẩn thơ ra bến sông hoa gạo. Trước mắt tôi là cây gạo cổ thụ chết khô. Không có bông hoa nào cả. Không có tiếng chim nào cả. Những cành khô trơ trụi và cô độc trên bến sông buồn bã. Gió vẫn thản nhiên thổi trên mặt sông lấp lánh và lũ trẻ chăn trâu vẫn nô đùa trên bãi. Hoa cải nở muộn vẫn nhuộm vàng từng vạt bãi sông. Nhưng ở gần gốc gạo chết khô ấy, chẳng biết ai đã trồng một cây gạo mới thế vào. Cây gạo còn non nớt, chưa đến thì trổ hoa…

3.11.2016.

Việt Nga

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ben-song-hoa-gao-610495.bld