Bên lề Quốc hội: Nhiều ý kiến quy định về hộ kinh doanh

Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại các ý kiến trái chiều của đại biểu về quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sáng 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã ghi lại các ý kiến trái chiều của đại biểu về quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Nên có Luật riêng về hộ kinh doanh

Tôi cho rằng hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ nhưng chỉ có 1,4 triệu hộ nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước vẫn không thu được.

Hơn nữa, các hộ kinh doanh phải chi phí không chính thức nhiều nhưng địa vị pháp lý lại không cao, nên quan điểm của tôi là có luật riêng về hộ kinh doanh.

Vì vậy, cần ban hành nghị định riêng về hộ kinh doanh, xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, thuận lợi.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội): Cần quản lý thuế tốt

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Bình. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Bình. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tôi cho rằng không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp vì không thuộc phạm vi điều chỉnh. Theo đó, cần có một nghị định về hộ kinh doanh và sau đó tính tới việc ban hành Luật về hộ kinh doanh gia đình. Riêng với trường hợp đưa vào thì phải đổi luật là "Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh".

Chẳng hạn như tại các nước hoạt động kinh doanh đều qua hóa đơn và thuế họ thu ở đó. Nhưng tại Việt Nam lại khoán thuế cho hộ gia đình, nên có những hộ gia đình doanh thu lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng vẫn không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vì thế, cần quản lý thuế thật tốt, khi đó hộ gia đình muốn phát triển sẽ tự đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Chí Dũng (Đoàn Quảng Trị): Đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết

Hiện hộ kinh doanh đã được quy định trong Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về quy định doanh nghiệp nhưng các nhà đầu tư không yên tâm về sự bảo hộ, bảo vệ pháp luật với loại hình kinh doanh này.

Mặc dù không phải là loại hình doanh nghiệp nhưng đây là hình thức kinh doanh cần được định vị pháp lý và bảo vệ, có quy định rõ về trách nhiệm dân sự, quyền của hộ kinh doanh, quản trị nội bộ.

Hộ kinh doanh đang có đặc điểm là bị hạn chế nhiều, tức chỉ được kinh doanh tại một địa điểm mà không được mở chi nhánh và văn phòng nơi khác, chỉ được sử dụng lao động dưới 10 người đã làm hạn chế nguồn lực.

Trong khi có hộ kinh doanh sử dụng hàng trăm lao động và doanh thu hàng trăm tỷ đồng nên không được bảo vệ, không được quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Do đó, muốn trao thêm quyền phải dựa vào quy định luật, chứ không phải bằng nghị định.

Tuy nhiên, tại sao hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp nhưng lại đưa vào Luật Doanh nghiệp vì luật này không làm cản trở và khó khăn việc chuyển sang doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nhưng được khẳng định địa vị pháp lý, bảo hộ và bảo vệ đối tượng này để kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực đầu tư.

Vì vậy, việc thiếu quy định pháp lý như vậy nên cần phải luật hóa. Do vậy, việc trao thêm quyền là phải dựa trên quy định của luật, chứ không phải ở văn bản dưới luật, nên việc đưa hộ kinh doanh vào dự án luật này là cần thiết./.

Uyên Hương-Thành Trung (Thực hiện)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-nhieu-y-kien-quy-dinh-ve-ho-kinh-doanh/140162.html