Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Xây dựng kịch bản tốt nhất hậu COVID-19

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số đại biểu về khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 cũng như những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Những tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc điều hành, khống chế được dịch và đưa đất nước bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số đại biểu về khả năng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 cũng như những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre): Đưa ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo
Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch COVID-19. Tại báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội đã nêu rất rõ điều này, dù Việt Nam đảm bảo tăng trưởng dương nhưng cũng bị giảm rất thấp.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Cùng chung ảnh hưởng từ đại dịch này, nhiều nước khác trên thế giới tăng trưởng kinh tế cũng bị tụt xuống tăng trưởng âm. Tuy nhiên, Việt Nam không vì thế mà lạc quan bởi các nước tăng trưởng âm này đều có tiềm lực kinh tế rất mạnh.
Đại dịch kéo dài nên Việt Nam đã chuẩn bị tâm thế từ trước cũng như kịch bản vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất và xuất khẩu nên cả nước hoàn toàn đồng tình với cách làm của Chính phủ là trước hết phải đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người.
Bởi, an toàn về mặt con người là an toàn về chính trị, sau đó là an toàn về kinh tế. Ngoài ra, đây là mất mát khách quan chứ không phải mất mát do bản thân nên phải chấp nhận.
Hiện nay, Việt Nam đang ở hậu của COVID-19 nên phải tìm các giải pháp và đưa ra các kịch bản tốt trong giai đoạn tiếp theo.
Theo tôi, các giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ trước mắt là có giá trị về mặt tinh thần, chính trị có nghĩa là Chính phủ thông cảm và đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan về tính toán. Ngay gói 62 nghìn tỷ đồng đã nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, nếu không làm chặt chẽ sẽ dẫn tới việc chồng chéo về đối tượng, sai sót về áp dụng quy định và trục lợi, tham nhũng.
Hơn nữa, gói 62 nghìn tỷ đồng đã khó thì gói 300 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp còn khó hơn nhiều nhưng sẽ có biện pháp để tổ chức triển khai gói này hiệu quả.
Theo tôi, nếu gói hỗ trợ này không đạt được 100% thì cũng phải đạt được 70-80% để đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cũng không hy vọng bứt phá nhưng các gói hỗ trợ trước hết giúp ổn định sản xuất để quay lại đà phát triển đồng thời chuẩn bị đủ điều kiện và tâm thế để đón luồng đầu tư từ nước ngoài.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng từng tuyên bố sẽ rút toàn bộ đầu tư từ Trung Quốc thì đương nhiên sẽ chuyển dịch sang các nước khác và Việt Nam sẽ là nước được đánh giá và chấm điểm và đặt niềm vào để đầu tư.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện nay Chính phủ đang đưa ra hai kịch bản về tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào dự báo thời điểm dập dịch. Mặc dù Việt Nam đảm nhiệm việc dập dịch rất tốt nhưng để phát triển kinh tế cũng còn phụ thuộc vào thời gian dập dịch của thế giới.
Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, hoạt động xuất nhập khẩu rất lớn nên khi thế giới chưa dập dịch được thì kinh tế Việt Nam sẽ vẫn khó khăn.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong trường hợp thế giới dập dịch vào quí III, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn, khoảng 4,4- 5,2% nhưng nếu dập dịch vào quí IV tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ dừng ở mức 3,6-4,4%.
Hiện tại, Chính phủ đã đưa ra phương án dự báo trình Quốc hội mức tăng trưởng khoảng 4,5%. Đây là phương án tích cực, nhưng việc này vẫn phải tùy vào thời gian dập dịch của thế giới.
Kể cả trong trường hợp như vậy thì các gói kích cầu đối với doanh nghiệp trong nước đã được Chính phủ làm rất kịp thời. Nhìn vào thực trạng hiện nay qua việc giãn, hoãn nộp thuế cũng góp phần hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, gói kích cầu tín dụng cũng đưa ra giải pháp tích cực như giảm lãi suất, kéo dài thời gian đảo nợ và cho vay mới nhưng Ngân hàng Nhà nước không giảm điều kiện vay.
Đây là yêu cầu của hoạt động ngân hàng để tránh rủi ro. Vì thế, nhìn vào con số 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng thấp, khoảng 1,3%. Nếu vẫn kiên định để tăng trưởng kinh tế thì cần dồn nguồn vốn để tăng trưởng tín dụng khoảng 10%.
Từ nay đến hết năm còn vài tháng để đạt tăng trưởng hơn 8-9% sẽ rất khó. Tôi cho rằng cần thêm giải pháp nữa là hiện nay có hai quỹ rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp gồm bảo lãnh tín dụng và quỹ tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện tại, quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 800 tỷ đồng trong khi có tới mấy trăm nghìn doanh nghiệp. Do đó, cần tăng thêm cơ chế và nguồn lực cho doanh nghiệp qua hai công cụ trên để chia sẻ rủi ro giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ben-le-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-xay-dung-kich-ban-tot-nhat-hau-covid-19/157684.html