'Bên kia Mắt bão' - lời kêu gọi phòng chống bạo lực giới ở Việt Nam

TĐO - Chiều 15/11, hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức triển lãm mang tên 'Bên kia Mắt bão'. Triển lãm là kết quả của hơn một năm nỗ lực của các bên liên quan nhằm kêu gọi phòng chống bạo lực giới tại Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng các bên tham gia cắt băng khai mạc triển lãm “Bên kia Mắt bão”.

“Bên kia Mắt bão” là triển lãm trưng bày nghệ thuật đương đại mang đậm tính nhân văn được phối hợp thực hiện giữa CSAGA và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại sứ quán Hà Lan, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc cùng 2 nghệ sỹ Bình Đặng và Duy Ly. Đây là một triển lãm độc đáo với sự kết hợp giữa photo voice, ánh sáng và cây tre. Triển lãm được tái hiện như một phiên chợ - nơi có 20 sạp hàng chở đầy nước mắt và hy vọng, chứa đầy hạnh phúc và cay đắng của những người phụ nữ.

Triển lãm được tái hiện như một phiên chợ – nơi hàng ngày những người phụ nữ vất vả mưu sinh kiếm sống.

Sự kiện cũng là kết quả của quá trình đồng hành cùng Đại sứ quán Hà Lan trong thúc đẩy việc giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam. Một hợp phần của dự án này là hỗ trợ các trường hợp cụ thể và tài liệu hóa để có thể chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức khác cũng như với chính cơ quan Chính phủ để cùng nhau làm tốt hơn công tác phòng chống bạo lực giới, vì một thế giới không có ai bị bỏ lại đằng sau.

Chợ Bãi Đá - một chợ quê truyền thống nằm ven quốc lộ 21, từ Hòa Lạc đi Sơn Tây đã được chọn làm địa bàn trọng điểm của dự án. Hiện nay, chợ đã có một tủ thông tin tài liệu về bình đẳng giới, bạo lực giới. Những câu chuyện bạo lực trước nay được chia sẻ thì thầm với những lời động viên kiểu “thôi số nó thế, cố mà chịu đựng” thì nay dần được nói to hơn với sự chỉ dẫn của các chuyên gia CSAGA.

Các hoạt động thu hút mở đầu là nhảy zumba đã giúp chị em mở lòng hơn trong không khí “tự tin la to lên”. Nhóm nhảy zumba chuyên nghiệp đã giúp những cụ già, những phụ nữ vốn lam lũ có thể biểu lộ cảm xúc cuộc sống của mình qua các điệu nhảy khỏe mạnh vui vẻ. Người dân đã đến chợ không chỉ để mua bán mà còn để thêm thông tin gần gũi với chính gia đình mình, được nhảy múa thể hiện mình và thể dục giúp khỏe thân thể. Chợ Bãi Đá đã nhộn nhịp hơn, vui tươi hơn, nhiều sức sống hơn với các đoàn Hà Nội thăm quan và mua hàng.

CSAGA, với tư cách là đơn vị thực hiện dự án, đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, các buổi chia sẻ với nhóm nạn nhân của bạo lực gia đình tại chợ cũng như cán bộ địa phương. Thông qua các hoạt động cụ thể này, người dân, chính quyền và các chị em trong chợ đã có những gắn kết nhất định, đồng hành trong việc bảo vệ các nạn nhân và xây dựng chợ truyền thống văn minh, lành mạnh, vui tươi.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết, nhiều năm qua CSAGA đã đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Với triển lãm lần này, những câu chuyện vui, buồn, hạnh phúc…được ghi lại bởi 20 người phụ nữ từng bị bạo hành, vốn hàng ngày vẫn lam lũ, tần tảo với những gánh hàng rau, cá tại chợ Bãi Đá (Sơn Tây, Hà Nội) sẽ được chuyển tới công chúng. Họ đã vượt lên hoàn cảnh, vượt qua bạo lực, đứng lên trong cuộc đời của chính mình.

Đa số các bức ảnh được trưng bày trong triển lãm là do chính những người phụ nữ tại chợ Bãi Đá thực hiện.

Phát biểu tại triển lãm, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong bình đẳng giới cũng như phòng chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nỗ lực để Việt Nam có thể chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hiện nay, Việt Nam đã có khá nhiều mô hình về phòng chống bạo lực giới được triển khai và đem lại kết quả ban đầu. Trong đó, chúng ta đang tập trung nhiều vào giải pháp truyền thông trong cộng đồng để mọi người biết rằng bạo lực gia đình không phải là câu chuyện của riêng ai mà là vấn đề của toàn xã hội.

Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) – ông Phạm Ngọc Tiến phát biểu tại buổi triển lãm.

“Tôi cho rằng phòng chống bạo lực giới không chỉ cần nỗ lực của chính quyền và cộng đồng mà bản thân người bị bạo lực cũng phải nói lên tiếng nói của mình và làm chủ cuộc sống của mình. Một giải pháp khác là chúng ta phải truyền thông nâng cao nhận thức về hành vi bạo lực giới trong cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ hơn về hành vi này, cũng như những tác động của nó tới đời sống xã hội. Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu để Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bạo lực giới nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp cho tình trạng này trong điều kiện xã hội của Việt Nam", ông Tiến cho biết thêm.

Tuệ Lâm

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/ben-kia-ma-t-ba-o-lo-i-keu-go-i-pho-ng-cho-ng-ba-o-lu-c-gio-i-o-vie-t-nam-54614.html