Bên khẩu pháo một thời ở Trường Sơn

Tháng 5 vừa qua, trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã đến tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tại quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Đứng bên khẩu pháo cao xạ 37mm trong khuôn viên bảo tàng, chúng tôi được chứng kiến câu chuyện cảm động của hai CCB nguyên là chiến sĩ Đại đội 14, Tiểu đoàn 84, Đoàn 559. Đó là CCB Nguyễn Kim Quyến ở quận Ba Đình (TP Hà Nội) và CCB Trần Văn Khoáng ở tỉnh Hà Nam.

Tháng 5-1971, Tiểu đoàn 84 được cấp trên giao nhiệm vụ phối thuộc cùng các đơn vị thuộc Mặt trận Y (mật danh của chiến dịch giải phóng cao nguyên Bolaven). Bước vào chiến dịch, nhiệm vụ cụ thể được phân công đến từng chiến sĩ. Đại đội 14 phối thuộc chiến đấu cùng Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đảm nhiệm hướng tiến công chính diện đầu thị xã Pắc Xòng.

 Cựu chiến binh Nguyễn Kim Quyến (hàng thứ 2, ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trong Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Sư đoàn 968.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Quyến (hàng thứ 2, ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội trong Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Sư đoàn 968.

Ngày 29-5-1971, ta mở đợt công kích vào thủ phủ Pắc Xòng. Cả ngày hôm đó, Đại đội 14 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Thái Văn Thể và Chính trị viên đại đội Phạm Văn Luật đã nổ súng chiến đấu nhiều trận với máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn đội hình tiến công của bộ binh, khiến những tên "giặc trời" thay đổi mục tiêu, điên cuồng bắn phá trận địa. Một quả rốc két phóng sát hầm pháo, Trần Văn Khoáng bị thương, được đưa về tuyến sau, từ đó họ bặt tin nhau...

Chiến dịch kết thúc thắng lợi, Mặt trận Y cùng với quân, dân Nam Lào đã làm chủ cao nguyên Bolaven. Tin chiến thắng ở Pắc Xòng lan đi khắp nơi, nhân dân Nam Lào hân hoan phấn khởi, vùng giải phóng Nam Lào được mở rộng. Thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi điện: "... Nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ các binh chủng thuộc Mặt trận Y đã lập được chiến công vẻ vang trong đợt hoạt động này".

Đến tham quan bảo tàng, CCB Trần Văn Khoáng nán lại khá lâu bên khẩu pháo từng thân quen một thời, còn CCB Nguyễn Kim Quyến thì nhất quyết phải chụp một tấm ảnh kỷ niệm bên mâm pháo. Nhờ khẩu pháo này mà hai CCB-chiến sĩ Trường Sơn tình cờ gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách.

Được chứng kiến tình cảm của hai CCB sau gần 50 năm vẫn nhớ về nhau qua những hồi ức, kỷ niệm, chúng tôi cứ nghĩ mãi về chất lính Trường Sơn vẫn vẹn nguyên trong họ, cho dù thời gian đã lùi xa cùng bao kỷ niệm khác trên đường đời. Đó thực sự là biểu hiện sinh động về tình đồng chí, đồng đội cao đẹp của những người từng một thời trận mạc.

Bài và ảnh: LÊ AN KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ben-khau-phao-mot-thoi-o-truong-son-582177