'Bén duyên' với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Mối lương duyên với ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đến như một món quà, và điều mà tôi cần làm là đón nhận và trân trọng theo cách của riêng mình.

Nơi lưu giữ một phần thanh xuân của tôi. Ảnh: Thanh Tùng.

Nơi lưu giữ một phần thanh xuân của tôi. Ảnh: Thanh Tùng.

Chúng ta đang trong dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, cảm xúc của những ngày đầu làm báo lại ùa về để nghĩ về những ngày đã qua tạo nên ta của hiện tại.

Vốn là người thích viết mảng văn hóa, tôi mang trong mình nguồn năng lượng dồi dào để viết và tìm hiểu về từng vùng miền của Tổ quốc. Cảm giác khoác ba lô trên vai, rong ruổi trên con “wave chiến” vừa đi vừa ngắm nghía đất trời, tiếng gió rít qua kẽ mũ bảo hiểm thổi ngang tai, bụi trên đường như tung hỏa mù khi đi đến đoạn chưa được trải nhựa... thật “đã”.

Nghề báo xoay quanh hai từ “vì sao”, muốn có chất liệu phải đi. Bất kể lúc nào chỉ cần gặp được đúng người thì khoảng cách xa hay gần không còn quan trọng nữa. Nguồn thông tin nhanh và chuẩn quý giá hơn tất thảy.

Còn nhớ năm 2018, để lấy thông tin cho một bài viết tuyên truyền về văn hóa, tôi đã được người dân giới thiệu gặp một cụ ông lão làng. Gần mười giờ đêm đang chuẩn bị chợp mắt vì cả ngày rong ruổi mệt nhoài, cụ gọi bảo sang cho xem tài liệu quý.

Thế là mắt nhắm mắt mở, tôi xỏ đôi giày còn tướp táp đất đi đến nhà cụ. Cụ mang ra một tệp giấy ngả vàng toàn chữ nho - tôi chẳng hiểu gì - bảo: “Đây là tài liệu gốc, cụ giữ từ đời ông cha truyền lại”, rồi hai cụ cháu vừa ngồi nói chuyện, vừa dịch chữ nho.

Hơn mười hai giờ đêm tôi về, háo hức nghĩ về bài viết chuẩn bị lên. Sau khi báo phát hành tôi biếu cụ một cuốn. Cụ quý và cất kĩ lắm.

Đầu năm nay tôi về gặp cụ, 95 tuổi mà cụ vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Thật mừng vì được gặp và trò chuyện với những “cây đa, cây đề” mang trong mình dòng chảy lịch sử cả trăm năm như cụ.

Cụ hỏi: Vẫn viết mảng văn hóa chứ cháu?

Tôi trả lời: Con chuyển sang mảng khác rồi cụ ạ, mảng này nghe hơi khó.

Cụ bảo: Mảng nào cũng được, miễn hữu ích cho đời!

Sau khoảng thời gian viết về văn hóa, cơ duyên tôi chuyển sang một lĩnh vực nghe có vẻ như chẳng liên quan - Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - bởi nó hàn lâm và mang tính kỹ thuật nhiều. Mê văn hóa nhưng cũng có “máu” kỹ thuật, tôi quyết định thử sức.

Đợt đi học bổ sung kiến thức chuyên môn tại Hội Nhà báo Việt Nam, thầy từng dạy: Báo chí phải biến những thứ phức tạp thành dễ hiểu, để bạn đọc từ giáo sư, tiến sĩ hay bác nông dân, anh xe ôm đều hiểu được.

Sang đây, cách viết không phóng túng như khi viết về văn hóa, nhưng cái hay mà tôi học được chính là tiếp cận với nhiều chuyên gia gạo cội trong ngành, được mở mang khối kiến thức lớn mà tôi nghĩ nếu không vào đây làm, tôi cũng chẳng biết gì và cũng không hiểu được nó hay như thế nào.

Nhà A - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ cũng là địa điểm đầu tiên tôi tác nghiệp khi chuyển sang mảng viết mới. Ảnh: Thanh Tùng.

Tôi vẫn nhớ lần đầu được Thư ký tòa soạn giao lên nhà A (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nghe và viết tin về việc ban hành bộ tiêu chuẩn, tôi đúng như “tấm chiếu mới” bởi mọi kiến thức đều quá mới mẻ và khó.

Những thuật ngữ chuyên ngành, nào là Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN)..., tên của các tổ chức nghe có vẻ rất dễ nhớ nhưng lại khó vô cùng như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO - International Organization for Standardization), Ủy Ban kỹ thuật điện Quốc tế (IEC - International Electrotechnical Commission), Tổ chức Năng suất châu Á (APO - Asian Productivity Organization), Tổ chức Đo lường Hợp pháp Quốc tế (OIML - International Organisation of Legal Metrology),... như thách thức trình độ tiếng Anh của tôi.

Những khái niệm như Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, công cụ cải tiến kỹ thuật, phương pháp Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) hay những từ ngữ “ngành” như đánh giá sự phù hợp; hợp chuẩn, hợp quy; kiểm định; hiệu chuẩn;... như thách thức trình độ tiếng mẹ đẻ của tôi. Nhưng càng khó tôi càng bị cuốn hút với chúng!

Trong dịp may mắn trò chuyện với một vị cựu lãnh đạo - Chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng - người góp công trong việc xây dựng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, tôi rất tâm đắc lời chú bảo:

“Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chính là cuộc sống. Khi ta chưa hiểu thì nghĩ lĩnh vực này vĩ mô, tiếp cận sâu rồi mới biết nó đi vào từng ngóc ngách của đời thường. Hiểu đơn giản thì cân, đo, đong, đếm, chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, năng suất... là những yếu tố nền tảng đem lại sự công bằng cho cuộc sống, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Nếu viết mà chính bản thân người viết không thể giải thích để người khác hiểu thì vô nghĩa. Bởi vậy, phải biến những từ ngữ “hàn lâm”, khoa học thành ngôn ngữ đời sống. Ấy là thách thức với người trẻ làm báo như cháu”.

Chợt nghĩ về lời một đàn anh làm báo từng bảo: “Cái mà người viết phấn đấu suy cho cùng là một chữ đẹp. Đẹp trong tâm hồn. Đẹp trong mỗi bài viết - bài viết hay, có trí tuệ, mỗi chữ là một lấp lánh” và lời cụ ông dặn dò tôi: “Viết mảng nào cũng được, miễn hữu ích cho đời”!

Ngọc Xen

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/ben-duyen-voi-nganh-tieu-chuan-do-luong-chat-luong-d201429.html