Bến du thuyền bỏ hoang ở hồ Tây: Mòn mỏi chờ chủ trương, hàng tỉ đồng sắp biến thành sắt vụn

Các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền, nhà nổi, nhà hàng trên hồ Tây một thời vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ phía thành phố Hà Nội, trong khi tài sản trị giá hàng tỉ đồng của họ lại đang dần trở thành đống 'sắt vụn'.

Bến du thuyền xa hoa nguy cơ thành “nghĩa địa” sắt vụn trên mặt nước

Hơn 1 năm kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các du thuyền, nhà hàng nổi ngừng kinh doanh ở khu vực bến thủy hồ Tây di chuyển về bến mới Đầm Bảy (phường Nhật Tân), hồ Tây vẫn chưa thể lấy lại cảnh quan hiện đại, theo chuẩn quốc tế như thành phố đề ra.

UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây; Tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết tại Đầm Bảy, phường Nhật Tân, trước ngày 25.2.2017; Tổ chức tháo dỡ, di dời các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên hồ trong quý I/2017.

Đầm Bảy là khu tập kết tàu thuyền mới.

Thế nhưng sau khi di chuyển, các doanh nghiệp lên khu vực Đầm Bảy, toàn bộ các tàu thuyền neo đậu tại đây đã không tháo dỡ, di dời khỏi mặt nước mà án ngữ một phần diện tích mặt hồ.

Theo ghi nhận của PV, toàn bộ tàu thuyền neo đậu tại đây đều trong tình trạng hoen rỉ, nhiều thuyền đã xuống cấp, bị bục đáy khiến nước tràn vào. Điều này khiến cảnh quan khu vực bị ảnh hưởng trầm trọng.

Doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng

Liên hệ với một trong những doanh nghiệp từng kinh doanh nhà hàng trên du thuyền hồ Tây, vị này cho biết, sau chủ trương của UBND TP Hà Nội, các tàu đều đã chấp hành di chuyển lên địa điểm mới. Song đến nay họ lại vô cùng hoang mang về số phận tiếp theo của mình.

“Gần 3 năm nay, từ khi có chủ trương di dời của TP, chúng tôi đang chịu thiệt hại nặng nề. Tàu của tôi vẫn còn thời hạn đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Toàn bộ tài sản của gia đình đều nằm trên mặt nước vẫn đang nằm chờ và ngày càng xuống cấp, ước tính thiệt hại đã lên tới hàng tỷ đồng, kể cả tiền lãi ngân hàng”, đại diện này cho biết.

Nhiều tàu thuyền đã hoen rỉ

Đại diện một doanh nghiệp khác cho biết, trong buổi tiếp xúc với UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo về quá trình hoạt động, nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi kinh doanh tại khu vực hồ Tây. Đồng thời, lắng nghe nguyện vọng của các doanh nghiệp bị di dời.

Hầu như tất cả các doanh nghiệp đều bày tỏ nguyện vọng được tiếp tục kinh doanh trên hồ Tây và chấp nhận tuân thủ mọi quy tắc mà UBND TP đề ra.

“Tôi đã chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, đẹp đẽ, gửi từ giữa năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ câu trả lời nào liên quan đến số phận của những doanh nghiệp kinh doanh trên hồ Tây. Chúng tôi vẫn luôn chờ câu trả lời của các vị lãnh đạo vì doanh nghiệp không thể duy trì mãi như vậy”, vị này nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó ban Quản lý hồ Tây cho biết, hiện tại Ban quản lý đang xây dựng phương án để báo cáo thành phố về hình thức giải quyết. Còn việc xử lý ra sao lại phải tiếp tục chờ chỉ đạo của UBND quận Tây Hồ.

Phạm Dung - Phan Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ben-du-thuyen-bo-hoang-o-ho-tay-mon-moi-cho-chu-truong-hang-ti-dong-sap-bien-thanh-sat-vun-641743.ldo