Bên dòng Sê San

Mạnh mẽ, cuộn trào vượt qua bao ghềnh thác, dòng Sê San là một trong những con sông sản sinh ra nguồn điện năng lớn nhất ở Tây Nguyên. Bên cạnh chức năng cân bằng hệ sinh thái, giá trị kinh tế của dòng sông được thể hiện qua hệ thống thủy điện có công suất lớn đang hòa vào lưới điện quốc gia và những tiềm năng trong phát triển du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đứng chân bên dòng sông có 'tầm vóc' như thế, Đồn Biên phòng Sê San, BĐBP Kon Tum luôn nỗ lực cống hiến để khẳng định mình…

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sê San tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sê San tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Thái Kim Nga

Mang trong mình một phần “chất lửa” Tây Nguyên (mẹ người Kinh, cha người Ba Na), Trung tá, Phó Đồn trưởng Y Hồng Thanh là cán bộ cần mẫn mà dí dỏm, nhiệt huyết. Câu chuyện của anh mang đậm phong cách “nhà binh”, hết huấn luyện sẵn sàng chiến đấu lại đến tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị, nhưng vẫn luôn tạo cho chúng tôi cảm giác nhẹ nhàng, không bị khô cứng. Anh chia sẻ với chúng tôi rằng, đứng chân bên dòng sông Sê San mạnh mẽ cuộn trào thì lính Biên phòng cũng cần có cá tính như thế để khắc chế điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Bên dòng sông lớn, nhưng bao năm qua, Đồn Biên phòng Sê San vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước khi mùa khô trở về. Trên vùng đất sỏi đá khô cằn, đời sống sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị gặp rất nhiều bất lợi.

“Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp là lựa chọn duy nhất để có thể bám trụ vững vàng trên biên giới. Đất đai bạc màu thì cải tạo, thiếu nước thì tận dụng những khu vực trũng thấp để mở rộng vườn tăng gia. Bộ đội cũng giống như nhà nông chính hiệu vậy, phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi thì hiệu quả lao động mới được nâng cao...” - Trung tá Y Hồng Thanh tâm sự với chúng tôi như thế.

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nghĩa là không gói gọn trong vườn tăng gia tập trung mà phải dang tay “ôm đất vào lòng”. Để làm được điều này, người lính Đồn Biên phòng Sê San phải thực sự năng động, quyết đoán và mạnh mẽ. Bên cạnh duy trì vườn tăng gia đủ cung cấp lượng rau xanh, củ, quả gần 6 tấn mỗi năm và quy mô đàn gia súc, gia cầm từ 200-300 con, đồn còn tập trung mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá lên gần 7.000m2, chăm sóc hơn 5ha cây nông sản (sắn, điều), cây ăn quả (chuối, xoài, mít) và cây lấy gỗ.

Với việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chú trọng chỉnh trang đơn vị xanh - sạch - đẹp đã tạo nên sức sống dẻo dai, khẳng định “thế đứng” vững chắc của Đồn Biên phòng Sê San trên biên giới. Các mặt công tác biên phòng luôn được triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả, tạo tiền đề giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm 2014 đến nay, Đồn Biên phòng Sê San 5 lần đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng và là một trong những lá cờ đầu trong thực hiện phong trào thi đua của BĐBP Kon Tum.

Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội, tạo cơ sở bám trụ vững vàng trên biên giới, đây là cách để Đồn Biên phòng Sê San có thêm nguồn lực hướng về địa bàn, đồng hành, sẻ chia tình cảm với bà con nhân dân.

Do đặc thù chỉ quản lý 2 khu dân cư (thôn 7 và thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) với vỏn vẹn 344 hộ, 1.359 nhân khẩu sinh sống, nên nhiều người cho rằng, công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn của Đồn Biên phòng Sê San sẽ “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với các đơn vị trong tuyến. Tuy nhiên, thực tế lại rất khác, bởi hầu hết các gia đình ở đây đều là “tân chủ nhân” của vùng đất mới Ia H’Drai, đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn, trong khi các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh chưa được xây dựng hoàn thiện. Đó là chưa nói đến sự đa dạng trong sắc màu văn hóa khi 2 thôn này lại có đến 9 dân tộc anh em chung sống. Công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn theo đó cũng trở nên đa dạng và sinh động để người lính Đồn Biên phòng Sê San được gần gũi, đồng hành với nhân dân.

Bên cạnh những chương trình lớn mang tính thường xuyên như chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng nông thôn mới, phát động quần chúng tham gia các phong trào tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh địa bàn..., Đồn Biên phòng Sê San còn đặc biệt chú trọng triển khai các mô hình giúp dân quy mô nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn, trở thành người bạn đồng hành gần gũi nhất của bà con. Năm 2019, đồn tiếp tục duy trì “nguồn vốn lưu động”, bằng cách luân chuyển bò giống cho 5 gia đình nghèo nhận nuôi đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là các chương trình, mô hình: “Hũ gạo tình quân dân”, “Địa chỉ đỏ”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”... đã khơi gợi, hun đúc, lan tỏa nét đẹp tình người trên biên giới.

Đẩy mạnh tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Sê San. Ảnh: Thái Kim Nga

Công tác tham gia xây dựng, quản lý địa bàn được triển khai chặt chẽ, có chiều sâu hơn khi Đồn Biên phòng Sê San đẩy mạnh thực hiện chủ trương đưa đảng viên xuống sinh hoạt tại chi bộ thôn làng, đảng viên phụ trách hộ gia đình. Rất nhiều vấn đề liên quan đến địa bàn được giải quyết kịp thời, nhất là công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong xây dựng, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở, trợ giúp nhân dân phát triển chăn nuôi (bò, dê, heo) giảm nghèo bền vững. Sự trẻ trung, năng động tràn đầy nhiệt huyết của những người lính Đồn Biên phòng Sê San trong những chương trình: “Tình nguyện mùa Đông”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng thanh niên”, “Ngày đoàn viên” không chỉ hun đúc tình yêu quê hương qua các đợt tổng dọn vệ sinh khu dân cư, phát quang, trồng cây xanh nơi đường biên, cột mốc, mà còn chia sẻ, trao dồi kỹ năng hoạt động phong trào cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn biên giới.

Đứng chân bên dòng lớn, được mang trong mình tên gọi và cá tính của một trong những con sông sản sinh nguồn điện năng lớn nhất Tây Nguyên, những người lính Đồn Biên phòng Sê San luôn tràn đầy nhiệt huyết, nỗ lực cống hiến hết mình vì sự bình yên và phát triển trên biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ben-dong-se-san/