Bên dòng Krông Nô

Nơi ấy, dòng Krông Nô tự ngàn đời vẫn chảy, mang phù sa đắp bồi xứ 'mây ấp núi' Đam Rông. Ở xứ sở quanh co nối dài những buôn xa, người Cơ Ho, Mơ Nông... quần tụ sinh sống. Từ đỉnh núi xa, đã thấy mầu xanh của cà-phê, cây ăn trái, lúa nước... ôm trọn những buôn làng. Xứ 'nghèo chồng nghèo' một thuở đã đổi thay mạnh mẽ bên dòng sông huyền thoại.

Nơi ấy, dòng Krông Nô tự ngàn đời vẫn chảy, mang phù sa đắp bồi xứ “mây.

Ký ức… nghèo

Tháng 11, hoa dã quỳ dát vàng bên những triền đồi nam Tây Nguyên. Từ thành phố Ðà Lạt đến trung tâm huyện Ðam Rông, Lâm Ðồng, phải vượt qua quãng đường hơn 100 cây số và hai con đèo chông chênh. Trên đỉnh dốc nhìn xuống, "thị trấn" Bằng Lăng, trung tâm huyện Ðam Rông nhạt nhòa trong sương. Gọi là thị trấn, nhưng đó mới là tên gọi trên bản quy hoạch đến năm 2020.

Ðam Rông, là huyện sinh sau, đẻ muộn ở vùng đất mẹ nam Tây Nguyên. Huyện thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập ba xã nghèo phía tây của huyện Lạc Dương và năm xã thuộc diện khó khăn của huyện Lâm Hà. Bởi thế, nhiều người từng nói vui, Ðam Rông là sự kết hợp của hai cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn. Ngày mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến ba phần tư, thu nhập bình quân đầu người vỏn vẹn 2,6 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu... và được "kê" vào danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, trong Chương trình 30a của Chính phủ.

Trên cung đường nhựa chạy dọc giữa buôn Phi Rút, xã Ðạ R’sal, hướng về thượng nguồn dòng Krông Nô, lão nông Triêk Y Tư đang hướng dẫn nhóm thợ hoàn thiện ngôi nhà mới. Nghe đâu, ngôi "biệt thự" của Y Tư được gia đình đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Già Y Tư chậm rãi châm tẩu thuốc, mùi thuốc lá ngai ngái như mùi rừng mùa làm nương. Xuôi dòng ký ức, già mở lời: "Xưa, vùng này nghèo khó lắm, toàn nhà lồ ô thôi, nghèo đói quanh năm. Giờ, nhờ Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, đời sống bà con đã khá lên nhiều rồi, đã có nhà kiên cố, không còn chuyện đói nữa".

Buôn Phi Rút có 145 hộ, khoảng 400 nhân khẩu, là người dân tộc bản địa Tây Nguyên, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng. Trong ngôi nhà truyền thống, già làng Kon Sơ Ha Siêng đang vui cùng con cháu, già bảo: "Chuyện xưa à, khó lắm, không kể hết đâu. Giờ thì khác rồi...". Quả thực, nhắc đến chuyện xưa, trong ký ức của những người già tại các buôn làng Ðam Rông vẫn luôn ám ảnh cảnh du canh, du cư; cuộc sống của những người con bản xứ cứ phiêu bạt qua những triền đồi nam Tây Nguyên. Chuyện đói ăn, thiếu mặc, mù chữ ở xứ này như là sự hiển nhiên.

Trong ngôi nhà gỗ xinh xắn cạnh Nhà văn hóa thôn Mê Ka, xã Ðạ Tông, già làng Cil Ha Mách (86 tuổi), bồi hồi khi nhớ chuyện xưa: Ngày ấy, để đến được Ðam Rông, phải đến tận "vùng biên" cầu Krông Nô, sang địa phận Ðác Lắc, rồi trở lại đất Lâm Ðồng bằng thuyền độc mộc, đi bộ hơn hai giờ nữa mới đến trung tâm huyện. "Bà con phải gùi bắp, lúa vượt núi hết ngày ra trung tâm huyện đổi muối, dầu… sau đó, lại cắt rừng, vượt núi về buôn. Vào mùa mưa, vùng Ðầm Ròn này (gồm ba xã Ðạ Tông, Ðạ Long và Ðạ M’rông), không có bàn chân dám vượt núi", già Ha Mách trầm tư.

Thay "cây mũi nhọn"

Trở lại trung tâm huyện Ðam Rông, lúc "thị trấn" vừa lên đèn. Phòng Bí thư Huyện ủy Trần Minh Thức còn sáng. Bí thư bảo: "Ðam Rông vẫn đang nằm trong danh sách huyện nghèo nhất cả nước. Nhưng chỉ đôi, ba năm nữa thôi, Ðam Rông sẽ thoát "huyện 30a". Nghị quyết đã ra, lộ trình đã có, tiêu chí đã giao các xã, cái nào dễ thì phấn đấu trước. Nói thật, cái được của Ðam Rông là cán bộ, nhân dân đều có chung tấm lòng, trách nhiệm và cùng chí hướng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển".

Thuộc thế hệ cán bộ được điều động, tăng cường vào Ðam Rông đặt những viên gạch đầu tiên trên vùng đất mới, còn hoang sơ giữa đại ngàn, từng kinh qua nhiệm vụ Phó Chủ tịch HÐND, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Trần Minh Thức vẫn đang thao thức với miền đất phía thượng nguồn: "Khi mới thành lập huyện, đời sống nhân dân thiếu thốn đã đành, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, nhiều nơi phải "chắp vá". Nghị quyết những nhiệm kỳ qua đều xác định, đoàn kết sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, đột phá, xây dựng Ðam Rông phát triển bền vững". Ðể nâng cao đời sống nhân dân, địa phương ưu tiên phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Bởi thế, câu chuyện vui về thay "cây mũi nhọn" đã được người dân truyền tụng.

Giờ học của học sinh Trường tiểu học Rô Men (huyện Đam Rông).

Già làng Ha Mách kể rằng: "Xưa, người Cơ Ho, Mơ Nông khi cái chân không còn muốn đi, họ dừng lại bên những vùng đất bằng để xây dựng buôn làng. Ngày đó đến mãi sau này, ngược xuôi Ðam Rông gặp toàn rừng le, lồ ô". Ðược sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Lâm Ðồng, từ năm 2005 đến nay, huyện tập trung thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm: Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và diện mạo mới đã mở ra trên vùng đất gian lao này. "Cây mũi nhọn" le, lồ ô dần được thay thế bởi những loại cây trồng năng suất, chất lượng cao.

Trên đỉnh dốc vào buôn Pang Pế Nâm, xã Ðạ R’sal, đón chúng tôi, ông Nguyễn Nghĩa Dũng ngừng tay, chọn quả ngọt đầu mùa đãi khách. Rời vùng quê miền Tây, ông đến với đại ngàn từ ngày đầu lập huyện. Những ngày đặt chân lên vùng đất mới, mình đã qua nhiều nghề, từ làm thuê, rồi lên rừng chặt lồ ô về bán. Khi sở hữu trong tay hơn 2 ha đất, mình quyết tâm phải làm cho "đất nở hoa", ông Dũng thổ lộ. Giờ đây, những trái ngọt miệt vườn sông nước quê ông, như cam, quýt, chôm chôm đã phủ kín triền đồi miền đất đỏ, hằng năm cho thu nhập hơn một tỷ đồng. Và vườn của ông trở thành "mô hình điểm" tại địa phương.

Trên hành trình tìm đất thích hợp để trồng cây ăn trái, lão nông Nguyễn Duy Thanh, người con xứ Nghệ, đã dừng lại bên bờ Krông Nô, lập nên vườn bưởi da xanh, ruột hồng giờ đã đơm hoa, kết trái. "Cách đây mười năm, khu này toàn le, lồ ô. Tôi đăng ký với xã xây dựng trang trại cây ăn trái, nhiều người bảo khùng", ông Thanh bộc bạch. Giờ ông đã thành công với hai sào bưởi da xanh, cùng xen canh chôm chôm, sầu riêng, ổi không hạt... Riêng vườn bưởi da xanh đã cho thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Ông dự tính, nhân giống trồng 3 ha bưởi, 1 ha cam và 5 sào vú sữa.

Huyện Ðam Rông hiện có hơn 750 ha cây ăn quả. Và câu chuyện thay "cây mũi nhọn" vẫn được nông dân truyền tụng, trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế Ðam Rông.

Trên hành trình đi tới

Ðam Rông có tám xã, đều "lọt" vào danh sách vùng khó khăn, theo Quyết định 1049/QÐ-TTg, ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ; 35/56 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện khoảng 49 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%, với 26 dân tộc anh em cùng quần tụ, sinh sống. Ðược sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Lâm Ðồng, cùng sự nỗ lực của lãnh đạo, chung tay góp sức của nhân dân, miền đất hoang vu, khốn khó ngày nào đã vươn lên mạnh mẽ. Ðường nhựa đã đến các xã, đường liên thôn bảo đảm giao thông cả hai mùa mưa, nắng; hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 35%, các hủ tục được xóa bỏ. "Giờ đây, đường lớn đã về Ðam Rông. Tất cả con em đều được học cái chữ, các xã đều có trạm xá, nhà văn hóa; và cái chiêng, cái ché bắt đầu rộn ràng mùa hội", Trưởng thôn Phi Rút Pang Pế Y Nhang không giấu nổi niềm vui.

Nắng trải thảm trên những sườn đồi. Những vườn cà-phê chín mọng, những vườn cây trái ngọt lành. Trở về bên khu rừng bằng lăng huyền bí, lại nhớ câu chuyện bên bếp lửa của già làng Ha Siêng về miền đất phía thượng nguồn Krông Nô, nơi nhà dân tộc học người Pháp Condominas phát hiện bộ đàn đá đầu tiên của nhân loại, huyền tích về thác Tình Tang, Bảy Tầng; nơi có những bản trường ca Mơ Nông lãng mạn và dòng suối nóng Ðạ Long kỳ bí... Ðó là tiềm năng khai mở du lịch Ðam Rông!

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Trần Minh Thức phác thảo về định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của Ðam Rông đến năm 2020 và những năm tiếp theo: "Năm 2019, Ðam Rông phấn đấu thoát khỏi "huyện 30a" và năm 2020, cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới, thị trấn Bằng Lăng không còn danh xưng ảo nữa". Dẫu còn lắm gian nan, thử thách, song đồng chí tin tưởng rằng, những điều đó sẽ không còn xa nữa.

Ðam Rông, theo cách gọi của đồng bào bản địa là Ðạ M’rông, nơi gặp nhau của những con sông. Những con sông chảy cạn lòng dệt những miền xanh. Chia tay miền đất huyền ảo trong chiều trôi rất khẽ. Tự đâu đó bật lên câu hát trong Huyền thoại Ðam Rông: "Ðường quanh co nối dài buôn xa, hồn nhiên ánh mắt trẻ thơ. Gợi Ðam Rông vươn lên từng ngày…".

MAI VĂN BẢO

Nguồn Hải Quan: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34750702-ben-dong-krong-no.html