Bên cạnh học văn hóa, nên phát triển kỹ năng gì cho trẻ 6-12 tuổi?

Năm học mới là khoảng thời gian lý tưởng để trẻ phát triển kỹ năng mềm, bởi các con có thể thực hành ngay khi giao tiếp với bạn bè, thầy cô trên trường.

“Qua năm tới, con sẽ bước sang cấp 2. Biết là sẽ nhiều bài vở hơn, chương trình học sẽ khó hơn, nhưng mẹ vẫn cố gắng động viên con tham gia hoạt động ngoại khóa, duy trì thói quen chơi và luyện tập thể thao. Vì mẹ nhận ra thể thao là môi trường lý tưởng giúp con duy trì thể lực, và rèn giũa những đức tính và kỹ năng, hỗ trợ quá trình phát triển toàn diện”, chị Nguyễn Thị Thu Hương bày tỏ quan điểm nuôi dạy con trước thềm năm học mới.

Bé Anh Thư, con gái của chị Hương là một trong 8 bạn nhỏ tài năng được tham gia Cúp Milo Vô địch Thế giới tại Barcelona (Tây Ban Nha) trong mùa hè vừa qua. Tự hào khoe bản thân đã chơi bóng từ lớp 5, Nguyễn Thị Anh Thư cho biết: “Thể thao rèn cho con tính tự giác, kỷ luật và sức khỏe tốt hơn”.

Nhiều phụ huynh Việt Nam có tâm lý đã vào năm học mới thì con cần tập trung hoàn toàn cho việc học, không nên “tơ tưởng” tới các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Không có gì sai khi phụ huynh đặt việc học của con là ưu tiên quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, đây mới chỉ là góc nhìn ở trục tọa độ “tri thức”.

“Phụ huynh đã quên mất rằng sự phát triển của con còn được đo theo các trục tọa độ khác: Kỹ năng, thể chất, phẩm chất...”, chuyên gia chia sẻ.

Có thể hình dung trẻ như một cây non đang lớn, để phát triển tốt nhất không thể chỉ tập trung bón phân, tưới nước hay phơi nắng thật nhiều… mà cần có sự hài hòa giữa các yếu tố nước, phân bón, ánh sáng... Muốn con được phát triển tốt nhất, bố mẹ không thể chỉ tập trung ở một trục tọa độ học vấn, mà cần giúp con phát triển đa dạng, toàn diện ở các mặt.

Lứa tuổi 6-12 là khoảng thời gian lý tưởng để trẻ học thêm các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, tính kỷ luật, đàm phán, xử lý vấn đề, lên kế hoạch và bám sát kế hoạch… bởi ở lứa tuổi này, trẻ khao khát được khám phá thế giới, và đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ cả về tâm lý lẫn thể chất.

Một trong những hình thức phát triển kỹ năng tốt nhất, hiệu quả nhất và tạo hứng thú dài lâu cho trẻ chính là tập luyện thể thao. Đặc biệt với những môn thể thao đồng đội như bóng đá, bóng rổ… trẻ được học cách làm việc theo nhóm, nâng cao tinh thần đồng đội, kiên trì, bền bỉ và không từ bỏ, không nản lòng khi nếm mùi thất bại hay tự mãn khi chiến thắng.

Ngoài ra, khi chơi thể thao, trẻ được giao tiếp và làm quen với nhiều bạn mới, sống trong môi trường tập thể, từ đó mở rộng mối quan hệ, học cách điều chỉnh cái tôi, biết sống vì mọi người, học cách sẻ chia và gắn kết. Tất cả kỹ năng trên đều rất cần thiết cho trẻ.

Nhiều phụ huynh cho con tham gia Trại Hè Năng Lượng Milo vào dịp hè vừa qua cũng đồng ý rằng: “Khi đã quen với tính kỷ luật của thể thao, con sẽ tự giác tạo nên sự kỷ luật trong học tập”.

Thể dục thể thao cũng là một trong những hoạt động sau giờ học tuyệt vời giúp con thư giãn và rèn luyện sức khỏe. Việc phụ huynh cùng tham gia một môn thể thao với con có thể giúp gia đình gần gũi nhau hơn, từ đó dễ chia sẻ các vấn đề học tập, trường lớp, bạn bè.

Bố mẹ cũng không nên quá lo lắng về việc tập luyện thể thao làm ảnh hưởng việc học của con. Khoa học đã chứng minh, khi luyện tập thể dục thể thao, các động tác vận động chân tay và nhịp thở sẽ kích thích tuần hoàn máu não, giúp trí não hoạt động minh mẫn, rất có ích cho việc tư duy, học tập của con.

Phụ huynh nên xây dựng một thời gian biểu khoa học và hợp lý, để con có thể xen kẽ giữa học - chơi, đồng thời chú ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để con có năng lượng bền bỉ cho cả ngày hoạt động.

Chính bản thân trẻ cũng cần được khuyến khích tập luyện thể thao, bởi nhiều trẻ cũng có nỗi lo sợ nếu dành thời gian để tập luyện sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập, thua kém bạn bè. Với trường hợp này, chuyên gia Tô Nhi A đề cao vai trò của bố mẹ trong việc đồng hành cùng con.

“Con trẻ thường tin vào những câu chuyện và sẽ được thuyết phục bởi những câu chuyện cụ thể, gần gũi và thực tế. Thế nên, ba mẹ hãy cho con một ví dụ thực tế rằng bạn A từ khi tập luyện thể dục thể thao đã có được những lợi ích nhất định, và việc học tập tốt hơn. Hãy chinh phục con bằng cách phân tích cho con thấy những lợi ích mà việc tập luyện thể chất mang lại, đặc biệt là những lợi ích liên quan đến học tập”, chuyên gia bật mí.

Bố mẹ có thể làm một phép tính cho con. Cụ thể, nếu dành 60 phút để tập thể thao mỗi ngày thật ra, việc tập thể thao chỉ chiếm 1/24 tổng thời gian trong ngày của con.

Chuyên gia Tô Nhi A cho rằng việc khuyến khích con chơi thể thao không hề khó. Bố mẹ hãy thừa nhận thể thao, vận động là một trong những yếu tố thúc đẩy trực tiếp sự phát triển của con, sau đó là tôn trọng và tạo điều kiện để con được tự nguyện lựa chọn môn thể thao phù hợp với bản thân.

Bố mẹ cũng không được tạo áp lực về thành tích, cần biết rõ sức của con tới đâu. Bám sát các thành tích không tưởng là một trong những lý do khiến trẻ sợ hoặc chán ghét thể thao.

Phụ huynh bé Quang Trí (đồng đội của Anh Thư tại Cup Milo Vô Địch Thế Giới ở Tây Ban Nha) cũng đồng quan điểm khi tiết lộ gia đình là nguồn động viên lớn, khích lệ tinh thần thể thao của Trí.

“Có những lúc con buồn, nản vì thua trận, sút bóng hụt... nhưng đều được ba và anh hai động viên rằng thể thao phải có thắng thua thì bản thân mới phát triển được. Nói chung, Trí có niềm đam mê với thể thao khiến gia đình tôi rất yên tâm. Con không chỉ được rèn luyện thể lực, mà còn sống trong môi trường mài giũa đạo đức, kỹ năng đồng đội, sắp xếp thời gian, bồi đắp đam mê để lớn lên mỗi ngày”, mẹ em Trí cho biết.

Thời gian cho con thơi thể thao cần được sắp xếp một cách chủ động và linh hoạt. Điều này giúp trẻ không bị thay đổi chế độ sinh hoạt đột ngột, dẫn đến khó chịu, bất hợp tác. Thay vì đi bơi vào buổi sáng khi còn nghỉ hè, giờ con có thể bơi vào chiều muộn sau khi đi học về. Con không chơi bóng rổ vào trong tuần mà đổi sang cuối tuần, hoặc sau giờ học tại trường. Ngay cả việc tham gia hoạt động thể chất ở trường cũng là một phương thức rèn luyện hiệu quả.

Phụ huynh cũng cần chú ý chuẩn bị 3 bữa ăn hàng ngày đầy đủ dưỡng chất để trẻ có đủ sức khỏe và tinh thần vừa tập thể thao, vừa đảm bảo việc học trên lớp và về nhà. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bổ sung 1 hộp Milo Bữa sáng bên cạnh bữa ăn sáng thông thường của trẻ, và 2 hộp Milo uống liền sau mỗi giờ ra chơi sáng, chiều để trẻ được tiếp năng lượng bền bỉ cho cả ngày năng động.

Giang Quốc Hoàng
Đồ họa: An Du

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ben-canh-hoc-van-hoa-nen-phat-trien-ky-nang-gi-cho-tre-6-12-tuoi-post989681.html