Bên bờ vực phá sản, cổ phiếu Sông Hồng Corp 'đóng băng'

Lỗ lũy kế hơn 900 tỷ đồng, vốn sở hữu âm 616 tỷ đồng trong khi nợ phải trả lên tới hơn 2.046 tỷ khiến Tổng công ty Sông Hồng đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Sông Hồng Corp, mã chứng khoán SHG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019 với nhiều nội dung đáng chú ý. Ngoài khoản lỗ sau thuế tăng thêm 10 tỷ đồng, vốn sở hữu âm thêm gần 32 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả vẫn rất lớn, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ về báo cáo.

 Tổng công ty Sông Hồng bết bát sau cổ phần hóa, vốn nhà nước nguy cơ bị mất trắng. (Ảnh: SHG)

Tổng công ty Sông Hồng bết bát sau cổ phần hóa, vốn nhà nước nguy cơ bị mất trắng. (Ảnh: SHG)

Theo báo cáo, 6 tháng đầu 2019, Sông Hồng Corp tiếp tục lỗ sau thuế hơn 31 tỷ đồng, tăng thêm 10 tỷ so với cùng kỳ, tức 47%.

Doanh thu thuần dù tăng mạnh 200% đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng nhưng do giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh lên 38,4 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng trong kỳ là 4,6 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 9 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng đột biến gần 100% từ 13,7 tỷ đồng lên 27,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6, Sông Hồng Corp đang gánh khoản nợ phải trả tới hơn 2.046 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 1.516 tỷ đồng. Vay và nợ thuê ngắn hạn hơn 303 tỷ đồng, dài hạn hơn 1,8 tỷ đồng. Vay nợ lớn khiến SHG phải trả hơn 26,3 tỷ đồng lãi suất vốn vay trong 6 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, tại thời điểm lập báo cáo, doanh nghiệp vốn là “ông lớn” của Bộ Xây dựng âm vốn sở hữu tới hơn 616 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 900 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.

Cũng tại báo cáo, đơn vị kiểm toán là CPA Việt Nam cho biết không thể đánh giá được khả năng thu hồi nợ phải thu, khả năng thanh toán nợ phải trả của SHG do không thu thập được đầy đủ thư xác nhận các khoản trên của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2018 và 30/6/2019.

Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 45 ngày 12/4/2018 của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội về việc Tổng công ty phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc 95,43 tỷ đồng chưa thanh toán cho công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Niêm yết trên UPCoM từ 2009 với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau 10 năm, giá cổ phiếu của SHG trên sàn chỉ còn 2.600 đồng/cổ phiếu và bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch. Quy mô vốn hóa thị trường của Sông Hồng Corp cũng teo tóp chỉ còn hơn 70 tỷ đồng. Trong nhiều năm, cổ phiếu SHG dường như “chết lâm sàng” do không có giao dịch.

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là một trong những “đứa con” đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là Tổng công ty Sông Hồng.

Thua lỗ triền miên, vốn nhà nước có nguy cơ mất trắng

Tổng công ty Sông Hồng rơi vào thua lỗ triền miên, nhất là từ sau cổ phần hóa. Theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán, lợi nhuận sau thuế 2015 của Sông Hồng Corp âm 129,1 tỷ đồng, năm 2016 âm 179 tỷ đồng, năm 2017 âm 52 tỷ đồng, năm 2018 âm 382 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Sông Hồng Corp năm 2015 âm 85,2 tỷ đồng, năm 2016 âm 187,1 tỷ đồng, năm 2017 âm 55,6 tỷ đồng và năm 2018 âm 387,5 tỷ đồng.

Trước tình trạng khó khăn không lối thoát, mới đây đại diện Sông Hồng Corp đã có báo cáo gửi Thủ tướng, khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Nhằm cứu vớt phần vốn nhà nước còn sót lại, đại diện phần vốn nhà nước tại Sông Hồng Corp đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang nắm 3.241.200 cổ phần, tương đương 49,04% vốn tại Sông Hồng Corp.

Hoàng Hưng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ben-bo-vuc-pha-san-co-phieu-song-hong-corp-dong-bang-d498490.html