Bền bỉ với ước mơ vì học sinh nghèo

Sinh ra ở vùng quê nghèo, được gửi đi học ở thành phố nhưng cô Võ Thị Kim Hương luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để trở về quê dạy học.

Cô Võ Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình (xã Phú Lập, H.Tân Phú) tham gia cùng học sinh trong hoạt động quảng bá của CLB rau sạch

Cô Võ Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình (xã Phú Lập, H.Tân Phú) tham gia cùng học sinh trong hoạt động quảng bá của CLB rau sạch

Đến nay, cô Hương đã có 20 năm gắn bó với Trường THCS Hòa Bình (xã Phú Lập, H.Tân Phú) và vẫn tiếp tục nỗ lực để giúp những học trò ở vùng quê này có thêm nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục như bao bạn bè đồng trang lứa khác.

* Nuôi dưỡng ước mơ vì học trò nghèo

Những người biết về cô Võ Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình đều dùng nhiều lời khen, sự cảm phục dành cho cô. 41 tuổi, 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục, cô đã luôn bền bỉ, nỗ lực để theo đuổi, thực hiện ước mơ thời thơ bé của mình: trở thành giáo viên để trở về quê hương dạy học, giúp cho học trò nghèo “mở cửa” tương lai bằng chính tri thức của mình.

Cha mẹ của cô Hương, kẻ Bắc, người Nam sau khi kết hôn thì lập nghiệp ở xã Phú Lập, H.Tân Phú. Mấy chục năm trước, đây là vùng quê nghèo, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học. Vì vậy, khi cô bé Hương học hết lớp 5, mẹ đã gửi cô lên TP.Biên Hòa để học. Dù còn nhỏ, Hương đã thấy rõ sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận giáo dục giữa trẻ em nông thôn và thành thị. Bởi vậy, cô gái này đã mơ ước sau này lớn lên sẽ làm giáo viên, quay về quê nhà phục vụ, góp phần làm cho làng quê phát triển.

Cô Nguyễn Thị Nhung, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Tân Phú nhận xét: “Cô Hương là giáo viên vững về chuyên môn. Ở vai trò quản lý, cô Hương rất bản lĩnh, quyết đoán, luôn chủ động xây dựng kế hoạch, điều hành nhà trường thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cô biết chăm lo cho giáo viên, nhân viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Điều này đã khích lệ được giáo viên, nhân viên toàn trường. Vì vậy, dù phải làm việc vất vả nhưng giáo viên, nhân viên ở đây đều vui vẻ, nhiệt huyết trong công việc”.

Ước mơ đó luôn được nuôi dưỡng. Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), dù có lời mời dạy học ở một trường thuộc TP.Biên Hòa nhưng cô Hương vẫn nhất quyết quay về Tân Phú và gắn bó với Trường THCS Hòa Bình từ năm 2000 đến nay.

“Khi đó, trường còn rất xập xệ, cơ sở vật chất, dụng cụ dạy học đều trong cảnh thiếu thốn. Muốn dạy tốt, giáo viên phải tự làm đồ dùng dạy học. Tôi còn nhớ, năm học 2002-2003 tôi tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Để có hóa chất chuẩn bị cho bài giảng, tôi phải ra tận Trường THCS Quang Trung (TT.Tân Phú) xin. Trường học thấp hơn mặt đường nên mỗi khi mưa lớn là nước ngoài đường tràn vào, giáo viên, học sinh phải xắn quần đến đầu gối để lội nước. Đường sá đi lại thì khó khăn, đường đất lại có nhiều đá ong. Nhiều học sinh khi đến được trường thì người đã lấm lem bụi đất” - cô Hương nhớ lại.

So với 20 năm trước, đời sống kinh tế - xã hội của xã Phú Lập đã phát triển hơn nhiều. Dù vậy, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hộ khó khăn; nhiều học sinh nghèo vẫn cần có sự trợ giúp thì mới có thể tiếp tục đi học. Do đó, mỗi đầu năm học, bản thân cô Hương vẫn chủ động khảo sát để giúp đỡ cho học sinh nghèo của trường. Nhờ sự quan tâm sâu sát của cô hiệu trưởng, rất nhiều học sinh đã được tiếp sức đến trường. Chẳng hạn, năm học 2019-2020, cô Hương vận động trao tặng 25 xe đạp cho học sinh, tặng các suất học bổng trị giá 20 triệu đồng cho 1 học sinh bị cháy nhà, xây 2 nhà tình thương cho học sinh đặc biệt khó khăn và nhiều suất học bổng, quà tặng học tập khác.

* Sáng tạo nhiều hoạt động bổ ích cho học trò

Chỉ 4 năm sau khi đi dạy, cô Hương được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng nhà trường. Đến năm 2018, cô được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Ở cương vị mới, cô càng làm việc nhiều hơn nữa, chủ động đề ra nhiều hoạt động nhằm giúp học sinh không chỉ được học tốt mà còn được vui chơi lành mạnh để phát triển kỹ năng.

Thấy nhiều học sinh còn xả rác bừa bãi, cô nảy ra sáng kiến thành lập đội dũng sĩ kế hoạch nhỏ. Theo đó, mỗi học sinh gom được nhiều giấy, chai nhựa… đem đến sẽ được cô đổi cho cây xanh để trang trí. Những chậu cây bé xinh đã kích thích nhiều học sinh tham gia CLB. Vì thế, cô mở rộng ra quy mô toàn trường. Đầu năm học 2020-2021, khoảng 500 học sinh của trường đã tham gia chương trình Đổi rác lấy cây xanh. Những cây xanh này lại được các em dùng để trang trí cho lớp học. Nhờ đó, phong trào trang trí lớp học thân thiện của trường cũng trở nên sôi nổi, hiệu quả.

Cô Võ Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình (thứ 2 bên phải qua) tham gia cùng học sinh trong hoạt động gói bánh chưng. Ảnh: NVCC

“Ban đầu, chúng tôi dùng tiền của trường để có tiền mua cây xanh. Sau đó, chúng tôi bán ve chai mà học sinh nộp về để trả lại tiền cho trường. Nguồn cây xanh thì chúng tôi liên hệ trước với các cửa hàng bán cây xanh để được mua giá sỉ” - cô Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Để học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, cô chỉ đạo nhà trường đẩy mạnh các hoạt động như: tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; chương trình trải nghiệm STEM. Bên cạnh đó, cô Hương còn chủ động đề ra nhiều phong trào khác như: xây dựng thư viện mini trong mỗi lớp học; thành lập CLB tiếng Anh với các hoạt động như: thi đố vui, rung chuông vàng, café tiếng Anh với sự tham gia của các tình nguyện viên nước ngoài.

Thầy Trần Văn Tĩnh, giáo viên Tổng phụ trách Đội, có nhiều gắn bó với cô Hương trong mọi phong trào của trường. Hơn ai hết, thầy Tĩnh thấy được bản thân mình tiến bộ qua từng ngày khi làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cô hiệu trưởng.

Thầy Tĩnh chia sẻ: “Cô Hương mới đảm nhận cương vị Hiệu trưởng 2 năm nhưng đã thúc đẩy phong trào của trường phát triển rất mạnh. Với những phong trào do tôi làm kế hoạch, cô là người trực tiếp chỉnh sửa và hỗ trợ triển khai. Cô đi sát với mọi hoạt động. Nếu thấy tôi làm chưa tốt, có khi cô trực tiếp làm luôn. Nhờ đó, tôi học hỏi được rất nhiều. Trong mối quan hệ công việc, cô rất nghiêm túc, việc gì ra việc đó, làm dứt khoát. Cô cũng rất thẳng thắn khi góp ý với đồng nghiệp nhưng không “để bụng” nên được tập thể nể phục”.

Nhờ cách làm việc hiệu quả này của cô Hương, các phong trào của nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp và đồng hành của phụ huynh học sinh.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202012/ben-bi-voi-uoc-mo-vi-hoc-sinh-ngheo-3033594/