Belarus: Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Lukashenko và Nghị viện Châu Âu

Đáp trả việc Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống Belarus khi ông mãn nhiệm vào tháng 11 tới và đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Bộ Ngoại giao Belarus đã ra tuyên bố khẳng định hành động này gây hấn và không mang tính xây dựng.

Đáp trả việc Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống Belarus khi ông mãn nhiệm vào tháng 11 tới và đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, Bộ Ngoại giao Belarus đã ra tuyên bố khẳng định hành động này gây hấn và không mang tính xây dựng.

Ông Alexander Lukashenko đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8. Ảnh: Sky News

Ông Alexander Lukashenko đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8. Ảnh: Sky News

Không được công nhận là Tổng thống

Ngày 17-9, EP đã thông qua nghị quyết từ chối công nhận kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Lukashenko và ủng hộ ý tưởng tổ chức cuộc bầu cử mới của Belarus dưới sự giám sát quốc tế.

Với 574 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 82 phiếu trắng - số phiếu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ ở Belarus, EP đã bác bỏ kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống hôm 9-8 ở Belarus, vốn bị phương Tây cáo buộc là gian lận. Trong một tuyên bố, EP nêu rõ: "Một khi nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko kết thúc vào ngày 5-11 tới, EP sẽ không công nhận ông ta là tổng thống Belarus".

Bên cạnh đó, Nghị sĩ chủ trương ôn hòa Petras Austrevicius của Litva nói: "EU cần một cách tiếp cận mới với Belarus, trong đó có việc chấm dứt mọi sự hợp tác với chính quyền Lukashenko". EP cũng đồng thời kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm vào nhà lãnh đạo này.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu của EP không mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên nó có sức nặng chính trị và có thể ảnh hưởng tới cách thức EU đầu tư vào Belarus hay ảnh hưởng tới việc EU hỗ trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này.

Điều tra cuộc bầu cử

Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%.

Phe đối lập và phương Tây cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu đã bị gian lận để tước đi chiến thắng của ứng viên Tikhanovskaya. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này và đã buộc phải lưu vong ở Lithuania. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát. Ngày 31-8, Tổng thống Lukashenko đã thảo luận kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp, tập trung vào việc cải cách hệ thống tòa án và bác bỏ những lời kêu gọi của phe đối lập quay trở lại hiến pháp năm 1994.

Hôm 17-9, các nước thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã chỉ định một nhóm chuyên gia độc lập để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc bầu cử tổng thống của Belarus tháng 8 vừa qua. Các thành viên OSCE đứng sau sứ mệnh này là Đan Mạch, Bỉ, Canada, Estonia, Phần Lan, Pháp, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Romania, Slovakia, Anh, Cộng hòa Czech và Mỹ. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói rằng, về cơ bản, nhiệm vụ là buộc các nhà chức trách Belarus phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nghiêm trọng của họ đối với quyền của người dân nước này là được bầu cử tự do và công bằng, cũng như các quyền tự do cơ bản và một nhà nước pháp quyền. Nhóm làm việc dự kiến sẽ công bố một báo cáo trong vòng 6-8 tuần tới. Họ cho biết sẽ điều tra các thông tin về việc đàn áp các ứng cử viên chính trị, nhà báo và nhà hoạt động, cũng như sử dụng vũ lực quá mức nhằm vào người biểu tình ôn hòa, bắt giữ và tra tấn bất hợp pháp.

Cũng trong ngày 17-9, một phát ngôn viên của EU cho biết, các ngoại trưởng của khối này cùng Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell sẽ gặp lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya tại Brussels vào ngày 21-9, trước khi nhóm họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Minsk.

Đáp trả của ông Lukashenko

Phản ứng với tuyên bố trên, hãng thông tấn Interfax đưa tin, Bộ Ngoại giao Belarus mô tả nghị quyết của EP là một hành động gây hấn điển hình và không mang tính xây dựng. Tuyên bố nêu rõ nước này thất vọng khi EP lại đưa ra nghị quyết trên khi chưa hiểu về những diễn biến tại Belarus. Bộ trên cũng nhấn mạnh việc kêu gọi trừng phạt và từ chối các mối quan hệ vì lợi ích của người dân Châu Âu và Belarus sẽ gây ra nhiều tổn hại.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Lukashenko khẳng định cuộc bầu cử tổng thống tháng 8 vừa qua đã được tổ chức hợp pháp. Phát biểu tại diễn đàn về phụ nữ "Minsk-Arena", ông Lukashenko nhấn mạnh: ""Tại Brussels, EP hoặc Hội đồng Châu Âu đã không công nhận cuộc bầu cử của chúng tôi. Về chuyện này, tôi muốn nói như sau... Chúng tôi đã tổ chức cuộc bầu cử theo hiến pháp và luật pháp của đất nước. Và chúng tôi không cần bất kỳ sự công nhận nào: cuộc bầu cử đã được tổ chức một cách hợp pháp".

Liên quan đến vấn đề biên giới giữa Belarus, Lithuania và Ba Lan, Tổng thống Lukashenko tuyên bố nước này cần cân nhắc việc đóng cửa biên giới với Lithuania và Ba Lan, cũng như tăng cường kiểm soát biên giới với Ukraine. "Chúng tôi buộc phải rút quân đội khỏi đường phố. Như tôi đã nói, cho một nửa quân đội cầm súng và đóng cửa biên giới quốc gia với phương Tây, chủ yếu với Lithuania và Ba Lan. Chúng tôi buộc phải củng cố biên giới quốc gia, đáng tiếc nhất là với Ukraine anh em", Nhà lãnh đạo Belarus tuyên bố.

Trong một diễn biến liên quan, cổng thông tin Tut.By cho biết Tổng thống Lukashenko đã miễn nhiệm Đại sứ nước này tại Latvia, ông Vasily Markovich "vì thực hiện không đúng chức trách”, trong khi các cựu đại sứ của Belarus tại Pháp (Pavel Latushko) và Slovakia (Igor Leshchenya), đã bị tước hàm ngoại giao "do có các hành vi bôi nhọ cơ quan ngoại giao nhà nước”.

AN BÌNH

Nga - Belarus tập trận, Mỹ - Ukraine cũng phô trương sức mạnh

Ngày 17-9, Ukraine và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung, hai ngày sau khi Nga khởi động cuộc tập trận chung với nước láng giềng Belarus.

Đại sứ quán Mỹ tại Kiev cho biết cuộc tập trận “Cây đinh ba chớp nhoáng” do quân đội Mỹ chỉ huy, diễn ra gần Yavoriv, miền Tây Ukraine, với sự tham gia của khoảng 4.000 binh sĩ của 10 quốc gia. Cuộc tập trận này được cho là nhằm phô trương sức mạnh của mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ukraine và "nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong môi trường hoạt động đầy thách thức, củng cố mối quan hệ bền chặt cần thiết cho hòa bình và ổn định”.

Trước đó, hôm 15-9, các lực lượng của Nga và Belarus cũng bắt đầu các cuộc tập trận ở tỉnh Brest, gần biên giới Belarus-Ba Lan. Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận này, dự kiến kéo dài đến ngày 25-9, nhằm mục đích chống khủng bố và không nhằm vào các nước khác.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_231739_belarus-cuo-c-do-i-da-u-giu-a-to-ng-tho-ng-lukashenko-va-nghi-vie-n-chau-au.aspx