Belarus: Bị Nga bóc mẽ, lựa chọn cuối của Mỹ-phương Tây?

Đứng sau và ủng hộ Moscow tạo cơ chế đối thoại cho các lực lượng chính trị ở Belarus được xem là lựa chọn khả dĩ nhất với Mỹ-phương Tây...

Tổng thống Putin chỉ ra sự non kém của phương Tây trong ván bài Belarus

Ngày 29/8, trả phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chính quyền Nga công nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống Belarus lần thứ 6 diễn ra ngày 9/8 vừa qua.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng Mỹ-phương Tây không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Belarus là vô lý. Bởi Washington và các đồng minh không có cơ sở để chứng minh cuộc ủy thác quyền lực của người dân Belarus phạm luật.

Theo ông Putin, Mỹ và các đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương cho rằng cuộc bầu cử ở Belarus vừa qua không dân chủ, không công bằng, nhưng họ lại không thể có chứng cứ để khẳng định điều đó.

Từ chối giám sát cuộc bầu cử tổng thống Belarus là sai lầm của Mỹ-phương Tây

Từ chối giám sát cuộc bầu cử tổng thống Belarus là sai lầm của Mỹ-phương Tây

Bởi "chính quyền Belarus đã mời Văn phòng Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cử quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử. Tại sao họ không đến?

Điều này khiến chúng tôi ngay lập tức có thể suy luận rằng, trên thực tế quan điểm về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Belarus diễn ra vừa qua đã được người ta chuẩn bị trước khi nó diễn ra.

Vì vậy, khi ai đó thể hiện sự nghi ngờ về kết quả cuộc bầu cử thì chúng tôi lại thấy có lý do để đặt dấu hỏi rằng: Liệu những người bày tỏ sự hoài nghi kia có phải là những người hoàn toàn trung thực?

Từ những giả định ấy đối với cuộc bầu cử tổng thống Belarus vừa qua, chúng tôi đã chính thức công nhận tính hợp pháp của nó. Và như các bạn biết, tôi đã chúc mừng Tổng thống Alexander Lukashenko giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này".

Như vậy, dưới con mắt của cựu điện viên KGB Vladimir Putin, Mỹ-phương Tây chỉ là những "tay mơ" trong ván bài Belarus.

Nhưng tại sao đến giờ phút này người đứng đầu Điện Kremlin mới tỏ rõ quan điểm như vậy? Lý do chính là việc OSCE đã đề xuất đứng ra tổ chức một cuộc đối thoại giữa chính quyền Minsk với phe đối lập, và Mỹ-phương Tây đã ủng hộ đề xuất này.

Đề xuất của OSCE sẽ làm phát xuất 3 vấn đề. Một, vai trò trọng tài của OSCE. Khi không điều khiển trận đấu, không giám sát trận đấu, cũng không nhận được báo cáo trung thực về trận đấu, thì thử hỏi trọng tài dựa vào đâu để phân giải, hòa giải?

Hai, vị thế của Mỹ-phương Tây. EU tuyên bố hoàn toàn ủng hộ đề xuất của OSCE về một cuộc hòa giải ở Belarus, với động thái này, Brussels - và cả Washington - đã chính thức can thiệp vào Belarus, trong khi họ kêu gọi Moscow không can thiệp.

Ba, kết quả hòa giải của OSCE. Tổng thống Putin để Ngoại trưởng Lavrov làm sáng tỏ và người đứng đầu ngành ngoại giao Nga không tin vào đề xuất của OSCE, khi nhắc lại kết quả nỗ lực hòa giải của phương Tây ở Ukraina năm 2014.

"Hẳn quý vị còn nhớ có một thỏa thuận đã đạt được với các Ngoại trưởng Đức, Ba Lan và Pháp...nhưng sáng hôm sau phe đối lập Ukraine đã đưa ra quyết định khác", đương kim Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Sai lầm của Mỹ-phương Tây trong vấn đề Belarus, thái độ "tiền hậu bất nhất" trong vấn đề Ukraine, đã bị bộ đôi Putin-Lavrov bóc mẽ. Qua đây cho thấy, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa khắc phục được những yếu điểm của mình khi đấu cờ với Putin.

Bộ đôi Putin-Lavrov đã dễ dàng bóc mẽ Mỹ-phương Tây

Mỹ-phương Tây sẽ làm gì với ván bài Belarus sau khi bị bóc mẽ?

Hiện Mỹ-phương Tây còn rất ít dư địa để xử lý vấn đề Belarus. Thực ra, ngay sau khi "rút ván" với Lukashenko, Washington và các đồng minh đã nhận ra sai lầm khi quá chủ quan trước việc Putin tạo điều kiện cho Lukashenko "mở cửa đón gió Tây".

Quan hệ giữa Belarus với Mỹ-phương Tây tan băng nhanh, vậy mà Lukashenko mời OSCE cử quan sát viên đến giám sát của bầu cử tổng thống Belarus lần thứ 6 thì tổ chức này lại lấy cớ "bận diệt Covid".

Động thái này chẳng khác nào Mỹ-phương Tây đã chủ động nhường phần thắng cho Nga trong ván cờ Belarus, ngay cả khi Tổng thống Putin chưa cần phải đi nước cờ nào. Đơn giản là Washington và đồng minh tự đánh mất khả năng kiểm soát.

Giờ thì mọi việc dường như đã muộn. Ngoài việc OSCE đề xuất làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Minsk với phe đối lập, mà điều này đã bị Tổng thống Putin bóc mẽ và Tổng thống Lukashenko chỉ trích, có lẽ Mỹ-phương Tây chỉ còn 2 lựa chọn.

Thứ nhất, trừng phạt nhưng chỉ có thể áp đặt với các thực thể bị xác định liên quan đến bạo lực tại Belarus thời hậu bầu cử, còn với vấn đề bầu cử không tự do, không công bằng thì khó có thể áp trừng phạt. Bởi đã trót lỡ từ chối lời mời giám sát.

Và đúng là các đối thủ của Nga đã chọn cách này, khi Bộ trưởng Ngoại giao của EU đang xem xét lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với khoảng 20 người chịu trách nhiệm về trấn áp người biểu tình sau cuộc bầu cử ngày 9/8 ở Belarus.

Còn việc Mỹ ngừng cung cấp dầu cho Belarus, vì "thất vọng về cuộc bầu cử diễn ra không tự do và công bằng", như Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo, thì không thể được xem là trừng phạt, bởi nó không gây thiệt hại gì, do Belarus đã có dầu của Nga.

Hơn nữa, việc Mỹ ngừng cung cấp dầu cho Belarus chỉ lợi cho Nga và thiệt cho Mỹ cùng đồng minh Ba Lan, bởi Mỹ bán dầu cho Belarus là nằm trong chiến lược chung Ba Lan-Mỹ đẩy dầu của Nga khỏi thị trường Đông Âu.

Thứ hai, ủng hộ Moscow tạo cơ chế đối thoại cho các lực lượng chính trị ở Belarus. Nga có đủ điều kiện để làm việc này, không chỉ vì Moscow có ảnh hưởng với chính quyền Minsk và phe đối lập, mà vì Nga có đầy đủ tư cách làm trọng tài.

Bởi trong khi Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu từ chối cử quan sát viên tới giám sát cuộc bầu cử tổng thống Belarus diễn ra ngày 6/8/2020, thì Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) - do Nga cầm trịch - đã cử 248 quan sát viên tới Belarus.

Như vậy, rõ ràng Nga đã tham giám sát trận đấu và hoàn toàn có thể báo cáo trung thực về trận đấu, nên Moscow hoàn toàn có đủ tư cách làm trọng tài và có đủ cơ sở để phân giải, hòa giải.

Phe đối lập ở Belarus dã bắt đầu thấy mệt mỏi và lung lay niềm tin vào những người bạn mới quen

Lựa chọn này là chẳng đặng đừng, nhưng có lẽ lại là khả dĩ nhất với Mỹ-phương Tây vì nó giúp Washington và các đồng minh vẫn có khả năng nắm được những quân cờ chủ chốt trong ván cờ Belarus. Tuy nhiên, nếu chần chừ thì có thể mất nốt cơ hội này.

Bởi, theo Euronews, ngày 28/8, cựu ứng viên tổng thống Svetlana Tikhanovskaya đã cho biết phe đối lập Belarus sẵn sàng để Nga đứng ra làm trung gian hòa giải, trong trường hợp nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại không có kết quả.

"Nếu cần vai trò trung gian của nước ngoài trong các cuộc đàm phán, chúng tôi chắc chắn sẽ lựa chọn Nga là tham gia vào quá trình này. Nga là quốc gia mà chúng tôi có quan hệ thân thiện và gần gũi". Đây là lời cảnh báo với Washington và đồng minh.

Với những chuyển chính trị tại Belarus, liên quan tới Belarus, cho thấy dường như Mỹ - phương Tây ngày càng tỏ ra thất thế trước Nga. Rõ ràng, tạo điều kiện cho Tổng thống Lukashenko mở rộng cửa đón gió Tây là nước cờ quá cao của Tổng thống Putin.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/belarus-bi-nga-boc-me-lua-chon-cuoi-cua-my-phuong-tay-3418115/