Beirut gượng dậy sau vụ nổ hóa chất 'kinh thiên động địa'

Con số thương vong trong vụ nổ lớn tại cảng Beirut, Lebanon đến ngày 6-8 đã tăng lên 137 người chết, ít nhất 5.000 người bị thương. Quân đội Lebanon đã được giao quyền kiểm soát khu vực xảy ra vụ nổ trong khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 2 tuần. Thủ đô này đang gượng dậy sau thảm họa.

 Người phát ngôn Bộ Y tế Lebanon cho biết, vẫn còn hàng chục người đang mất tích nên con số thương vong chưa phải là thống kê cuối cùng.

Người phát ngôn Bộ Y tế Lebanon cho biết, vẫn còn hàng chục người đang mất tích nên con số thương vong chưa phải là thống kê cuối cùng.

Các tình nguyện viên ngày 6-8 đang phối hợp với quân đội dọn dẹp đường phố, các tòa nhà và bệnh viện bị phá hủy.

Chính phủ đã thành lập một ủy ban điều tra để xem xét nguyên nhân vụ nổ, trọng tâm là 2.750 tấn ammonium nitrate được lưu trữ tại cảng Beirut từ năm 2014.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ nổ đã “thổi bay” nhiều công trình ở cảng Beirut, cảng lớn nhất Lebanon

Các quan chức Lebanon dường như đổ lỗi cho nhau vì đã để chất gây nổ cực mạnh ở gần các khu dân cư trong suốt 6 năm.

Nội các Lebanon ngày 5-8 đã nhất trí hình thức quản thúc tại nhà đối với tất cả các quan chức phụ trách công tác giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut từ năm 2014.

Ông Badri Daher, Tổng giám đốc hải quan Lebanon cho biết, văn phòng của ông đã gửi 6 lá thư tới tòa án, thúc giục họ xử lý số hóa chất bằng cách tái xuất, bán lại hoặc giao cho quân đội.

Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về tình huống dẫn đến vụ nổ. Dù nguyên nhân gì, khả năng vẫn là lượng lớn ammonium nitrate được lưu trữ không an toàn

Một số tổ chức đã lên kế hoạch tuần hành tại trung tâm Beirut vào chiều 6-8 khi cư dân thủ đô phải hứng chịu một thảm họa dường như đã thấy trước và thường xuyên được cảnh báo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6-8 đến thăm Lebanon. Đây là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên có mặt ở Beirut sau vụ nổ phá hủy gần như toàn bộ khu cảng của Thủ đô Lebanon.

“Tôi đến Beirut để mang đến cho người dân Lebanon một thông điệp về tình hữu nghị và ủng hộ từ người Pháp”, ông Macron nói ngay khi đặt chân đến Beirut. Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh “Nếu không cải tổ, Lebanon có thể tiếp tục hứng chịu nữa”

Ngay sau vụ nổ, máy bay của Pháp, Đức, các nước vùng Vịnh và Chương trình Lương thực Thế giới đã đến Beirut, mang theo nhân viên cứu hộ, vật tư và thiết bị y tế.

Sáng 6-8, máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ cánh ở Beirut, chở theo đội cứu hộ y tế, lều dã chiến, thuốc và thiết bị y tế cùng binh sĩ cứu hộ được điều tới từ Ankara, theo lệnh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan

Cộng đồng người Lebanon sống ở nước ngoài, ước tính dân số gấp 3 lần số dân 5 triệu người ở đất nước nhỏ bé này đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ cho người dân quê hương

“Lebanon thực sự cần hỗ trợ. Các cộng đồng Lebanon đã phải đối mặt với nghèo đói và khủng hoảng kinh tế, cũng như đại dịch Covid - bây giờ vụ nổ này làm họ càng tăng thêm đau khổ. Họ đâu còn sức đương đầu với thảm họa này”, Samah Hadid, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Hội đồng tị nạn Na Uy đang ở Beirut nói

Thống đốc Beirut, ông Marwan Abboud cho biết, tổng thiệt hại sau thảm kịch ước tính khoảng 10-15 tỷ USD. Khoảng 250.000 người rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” do vụ nổ gây cơn chấn động phá hủy nhiều nhà ở.

“Lượng lúa mỳ còn lại hiện nay có hạn và chúng tôi lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu cộng đồng quốc tế không hỗ trợ”, ông Abboud nói.

Hải Yến (Theo Guardian/NBC)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-beirut-guong-day-sau-vu-no-hoa-chat-kinh-thien-dong-dia/862668.antd