Bé tử vong nghi học theo Youtube: Điều quan trọng nhất

Theo ông An, vấn đề quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ em vẫn là ở góc độ gia đình, cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con noi theo.

Vụ việc bé gái 5 tuổi tử vong nghi học theo trò treo cổ trên Youtube đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Điều khiến nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng là những nội dung nhảm, dạy những điều xấu, thậm chí nguy hiểm trên Youtube vẫn đầy rẫy.

Nói về việc này, ngày 17/10, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ vẫn là ở các bậc cha mẹ vì dù cho mạng xã hội có những nội dung nhảm nhí đến đâu, tài liệu sách giáo khoa có sai đến đâu thì cha mẹ vẫn là quan trọng nhất.

"Cha mẹ phải luôn luôn để mắt đến trẻ, đối với trẻ nhỏ là phải giám sát, không chỉ giám sát việc con ăn uống như nào mà còn phải xem con đang xem những chương trình gì trên mạng xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng đến con như nào, còn đối với trẻ lớn hơn thì phải giám sát xem con có lơ là học hành hay có lo ngại vu vơ gì không, tâm lý có bị ảnh hưởng khi xem những chương trình trên mạng.

Bởi vậy cha mẹ hãy dành thời gian để xem cùng với con hoặc có mối quan tâm với con. Cha mẹ cũng nên hỏi con xem mạng xã hội đang có những chương trình gì để xem con có quan tâm không đồng thời xem con mình đang đi theo hướng nào.

Những trò treo cổ trên Youtube hay như trước đây có trò thử thách cá voi xanh cũng gây ảnh hưởng đến con trẻ rất nhiều.

Nếu trong nhà có các phương tiện theo dõi hiện đại thì cần phải giám sát con một cách chặt chẽ hơn, cũng cần hướng dẫn con nên xem những kênh dành cho trẻ em đã có kiểm duyệt, lựa chọn nội dung hay như trong gia đình nếu có tivi thông minh thì phải khóa thế nào, hẹn giờ xem như nào.

Không chỉ là những trò chơi có nội dung xấu mà còn những game bạo lực, những video hướng dẫn làm thuốc nổ, ma túy từ thuốc cũng đặc biệt nguy hiểm", ông An nói.

Cái chết thương tâm của bé gái 5 tuổi nghi học theo trò thắt cổ trên Youtube

Cái chết thương tâm của bé gái 5 tuổi nghi học theo trò thắt cổ trên Youtube

Vấn đề thứ 2 ông An muốn nói tới đó là vai trò của các cơ quan nhà nước. Theo ông An, để tránh những vụ việc thương tâm xảy ra như trường hợp bé gái 5 tuổi ở TP.HCM tử vong nghi học theo trò chơi treo cổ trên Youtube hay những vụ khác tương tự thì trong luật trẻ em năm 2016 cũng đã quy định rất rõ về các cơ quan được giao bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Cách đây không lâu, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý những video có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng.

"Không những vậy còn có những Youtube trá hình, tiêu đề có thể là câu chuyện Tấm cám nhưng bên trong lại lồng các trò chơi nguy hiểm như treo cổ. Bởi vậy rất cần các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với những nội dung xấu như trên.

Ở góc độ nhà trường cũng cần có thời gian để hướng dẫn học sinh. Đối với các cháu mẫu giáo thì cần hướng dẫn các cháu về nhà không được xem tivi hoặc không được xem kênh này kênh khác, lên cấp 1 thấy cô phối hợp với phụ huynh để cùng hướng dẫn các con thì sẽ có hiệu quả và tránh được những nguy cơ khó lường", ông An chia sẻ thêm.

Về câu hỏi liệu có cấm được quảng cáo trên những Youtube có nội dung xấu hay không, vị nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, trên thế giới làm được nhưng Việt Nam chưa làm được do đằng sau những quảng cáo là những lợi nhuận và đụng chạm đến lợi ích nhóm.

Cũng theo vị này, cần có những đội ngũ làm công tác xã hội hướng dẫn cha mẹ những kỹ năng phòng tránh cho con trẻ qua những nội dung xấu độc trên mạng.

"Cần phải áp dụng chặt chẽ Luật trẻ em 2016 trong đó có quy định về 3 cấp độ bảo vệ trẻ em và ưu tiên cấp độ phòng ngừa. Trên thực tế, không có luật nào quy định cha mẹ không ngồi xem cùng con thì sẽ bị xử lý vì điều đó là vi phạm vào quyền công dân nên chỉ có truyền thông giáo dục để các bậc cha mẹ làm tấm gương tốt cho con cái noi theo, phải coi trọng giáo dục gia đình", nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhấn mạnh.

Trước đó, theo chia sẻ của chị N.N - dì ruột của cháu V.T.D. (5 tuổi, TP.HCM) thì sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/10 vừa qua. Sau ít phút không để ý, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu bất tỉnh trong tư thế treo cổ. Mặc dù gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 phút cùng ngày.

Dì của cháu chia sẻ thêm, cháu D. đang đi học mẫu giáo nhưng hôm xảy ra sự việc thì cháu nghỉ học ở nhà với ông bà ngoại, bố mẹ và các dì đều đi làm hết. Trong nhà còn có 2 cháu bé nữa nhưng hôm đó cũng đều đi học hết.

Bình thường D. cùng hai cháu còn lại hay xem Youtube cùng nhau. Vì tivi của gia đình có kết nối Internet nên có thể bật Youtube trên tivi, các cháu thường hay tự bật và xem cùng nhau.

Tuy nhiên có một vấn đề được chị N. tiết lộ là cháu D. đã vài lần chơi trò treo cổ, mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu: "Lần gần nhất là cách đây nửa tháng cháu có chơi, nhưng dì của cháu (một người dì khác không phải chị N. - PV) đã nhìn thấy và mắng: "Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?". Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi".

Chị N. thắt ruột kể lại: "Chỉ có 3 phút không để mắt tới cháu mà hậu quả để lại là đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ trong sáng ấy đã ra đi mãi mãi".

Cũng trong câu chuyện đau lòng của gia đình mình, chị N. nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh hãy luôn để mắt tới con, cho con tránh xa các video bạo lực tràn ngập trên mạng xã hội để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/be-tu-vong-nghi-hoc-theo-youtube-dieu-quan-trong-nhat-3420828/