Bé trai tử vong vì bị chó tấn công: Hãy nâng cao ý thức từ cộng đồng

Sáng nay, tràn ngập trên báo chí, các trang mạng xã hội là thông tin 1 bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên tử vong do bị 1 đàn chó cả chục con xông vào cắn. Người ta đặt ra câu hỏi: 'Chủ của đàn chó kia đang làm gì trong lúc cậu bé bị cắn?' 'Đã bao nhiêu lần xảy ra những vụ việc đau lòng từ ý thức của người chủ nuôi chó thả rông?'

Trước đó, vào khoảng hơn 18h ngày 3/4, một cháu bé tên T. khoảng 7 tuổi khi đang đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên) đã bị đàn chó gần 10 con tấn công.

Người dân thấy vậy liền đến giải cứu và nhanh chóng đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu.

Tối 3/4, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hưng Yên cho biết, cháu bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được ép tim, truyền 2 lít máu thì tim đập trở lại; gia đình xin chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội). Tuy nhiên, cháu bé không qua khỏi do chết não.

Còn tại Hà Nội, vào đầu tháng 8/2018, một con chó nặng 40 kg được gia đình nuôi đột nhiên tấn công bé gái 8 tháng tuổi gây chảy máu nhiều dẫn đến sốc mất máu. Người mẹ lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Bé được gia đình đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu, nhưng đã không qua khỏi.

Những vụ việc liên tiếp xảy ra khiến nhiều người bàng hoàng. Song đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nó xảy ra phổ biến đến mức các bệnh viên liên tục tiếp nhận trẻ vì lý do này.

Giữa tháng 5/2018, một bé trai 2 tuổi ở Hà Nội bị chó nhà cắn. Trẻ nhập viện trong tình trạng kích thích, đau, hoảng sợ. Trên mặt cháu có vết cắn hở, xuyên thấu má. Người nhà cho biết con chó thủ phạm đã được tiêm phòng trước đó. Tuy nhiên, sau khi cắn trẻ, con chó chết. Em bé lập tức được tiêm văcxin phòng bệnh dại.

Nhiều trẻ may mắn được cấp cứu kịp thời, giữ được mạng sống, nhưng cũng không ít trường hợp phải thiệt mạng.

Năm năm qua, mỗi năm Việt Nam có đến 300 ca tử vong do bệnh truyền nhiễm thì đến một phần ba là vì bệnh dại

Bày tỏ sự đau lòng, xót xa trước những cái chết thương tâm do chó cắn xảy ra, ông Nguyễn Hữu Hảo (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tình trạng chó cắn người gây thương tích và lan truyền bệnh dại có nguyên nhân chủ yếu do ý thức người nuôi. Tình trạng thả rông và không rọ mõm thú là điều gây nhiều bức xúc nhất.

"Chó, mèo thả rông gây tai nạn nguy hiểm. Người lái xe gắn máy va phải chó chạy rông bị ngã xuống đường còn chấn thương, có thể dẫn tới tử vong", ông Hảo nói.

Chị Nguyễn Hương ở Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Tôi rất bức xúc với những nhà nuôi chó nhưng thả rông ngoài đường, hoặc dắt chó không rọ mõm, cho chó đi vệ sinh lung tung… Nhiều người thậm chí còn bị chó chạy rông cắn".

Một bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Về mặt biểu tượng, chó được coi là con vật khôn ngoan, gần gũi, bảo vệ con người. Thế nhưng, khi một đứa trẻ bị chó cắn, tính chất của biểu tượng này bị phá hủy hoàn toàn. Từ con vật bảo vệ, chó trở thành mối nguy hiểm đe dọa mạng sống, tước đi tất cả những gì quý giá nhất với đứa trẻ là sự an toàn, chở che. Hàm răng, tiếng gầm gừ, mùi cơ thể của chó khiến trẻ nhận ra mình không được bao bọc như vẫn tưởng.

Để không còn tiếp tục những vụ tai nạn thương tâm do chó cắn xảy ra, theo chia sẻ của nhiều người dân, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng của mỗi người, mỗi nhà. “Mỗi người hãy tự nâng cao ý thức của mình từ những việc làm nhỏ nhất để giữ gìn sự an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Tốt nhất không nên nuôi giữ chó, không thả rông, rọ mõm chó, xích chó lại nơi an toàn. Các bậc cha mẹ bảo vệ và nhắc nhở, dạy con tránh xa những con vật nguy hiểm”, anh Nguyễn Mạnh Toán (Thanh Oai, Hà Nội) bày tỏ.

Ngọc Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/be-trai-tu-vong-vi-bi-cho-tan-cong-hay-nang-cao-y-thuc-tu-cong-dong-d2065054.html