Bé trai thừa cân nhưng thiếu máu do chỉ uống sữa đặc

Uống sữa đặc có đường từ nhỏ, bé trai lớn dần với cơ thể bụ bẫm nhưng thiếu dinh dưỡng và vi chất.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai 6 tháng tuổi, nặng đến 9kg nhưng thiếu sắt, thiếu máu mức độ nặng.

Trước đó, bé đến bệnh viện trong thân hình bụ bẫm, trắng trẻo. Tưởng bé khỏe mạnh nhưng qua thăm khám ban đầu bác sĩ nhận thấy da bé tái nhợt.

Bé trai bị thiếu máu do uống sữa đặc trong thời gian dài. Ảnh: Phương Vũ.

Bé trai bị thiếu máu do uống sữa đặc trong thời gian dài. Ảnh: Phương Vũ.

Được biết, từ khi mới sinh ra bé chỉ sống với bà nội. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà chỉ có thể cho bé uống sữa đặc có đường. Bé vẫn tăng cân liên tục, bụ bẫm nên bà vẫn yên tâm là bé phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên, qua thăm khám và các xét nghiệm, bác sĩ xác định bé thừa cân nhưng cơ thể lại thiếu toàn bộ dinh dưỡng và vi chất do chỉ được uống sữa đặc, nghèo giá trị dinh dưỡng, chủ yếu là đường.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực, kết quả xét nghiệm cho thấy bé thiếu máu, thiếu sắt mức độ nặng, thể tích khối hồng cầu trong máu chỉ còn 16% (bình thường theo độ tuổi này phải đạt trên 30%).

Lập tức bé được truyền máu trong khi người bà vẫn chưa hiểu rõ tình trạng này là nghiêm trọng.

Đồng thời, bác sĩ cũng hướng dẫn bà của bé chế độ dinh dưỡng đúng để tiếp tục bù chất, tránh thiếu máu, thiếu sắt cho bé khi được xuất viện về nhà. Bao gồm, cách uống sữa và chế độ ăn dặm phù hợp khi bé đã được 6 tháng.

Sau 3 tháng, khi quay lại tái khám, bé trai đã hồng hào và khỏe mạnh hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ từ 6 tháng trở đi, lượng sắt trong sữa mẹ không còn đủ. Ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo, để bổ sung dinh dưỡng. Trong khi đó, sữa đặc nhiều đường, không có đủ giá trị dinh dưỡng với trẻ.

Trong độ tuổi này, chế độ ăn dặm cho trẻ rất quan trọng. Chế độ ăn phải cân bằng đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm động vật.

Mỗi trẻ đều có chế độ ăn, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu hay mắc bệnh lý, phụ huynh cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn khoa học. Ngoài ra, phụ huynh nên tiếp cận bác sĩ chuyên khoa nhi, và dinh dưỡng để đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho trẻ.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/be-trai-thua-can-nhung-thieu-mau-do-chi-uong-sua-dac-173734.html