Bé trai mắc bệnh 'máu ăn máu'

Căn bệnh bé trai mắc phải có diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao do tế bào bạch cầu trong máu lại 'ăn'những tế bào máu thông thường của chính chủ.

Đó là trường hợp của bé H.N.A. (4 tuổi, ở Bình Dương). Bệnh nhi mắc phải Hội chứng "thực bào máu" (hay "máu ăn máu").

Đây là căn bệnh có diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao do tế bào bạch cầu trong máu thay vì làm nhiệm bảo vệ cơ thể khi có tác nhân bên ngoài xâm nhập thì lại "ăn" những tế bào máu thông thường của chính chủ.

Hội chứng thực bào máu ở trẻ em là rối loạn hệ miễn dịch hiếm gặp, xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào miễn dịch hoạt động. Đây là một bệnh lý hiếm gặp và có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến người bệnh bởi tất cả các tế bào hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu và cả các tế bào tiền thân huyết học cũng bị ảnh hưởng.

Bé đã vượt qua cơn nguy kịch và sẽ tiếp tục điều trị theo phác đồ hóa trị.

Bé đã vượt qua cơn nguy kịch và sẽ tiếp tục điều trị theo phác đồ hóa trị.

Năm 2 tuổi, bé A. được chẩn đoán mắc hội chứng này. Suốt thời gian này, gia đình đưa bé đến khắp các bệnh viện huyết học trong và ngoài nước để điều trị. Bé từng có thời gian dài điều trị tại Bangkok (Thái Lan). Từ thời gian này, trẻ liên tục nhập viện điều trị do các đợt tái phát bệnh.

Mới đây, bé trai đột ngột tái phát bệnh với triệu chứng sốt cao trên 39 độ C không hạ nên được chuyển cấp cứu tại khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tuy có biểu hiện nhiễm trùng rất nặng nhưng kết quả xét nghiệm máu lại cho thấy không như một bệnh lý nhiễm trùng đơn thuần mà tế bào máu của các bệnh nhi giảm rất nhiều, kèm theo sự thay đổi của một số xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch.

Bệnh diễn tiến nhanh, bệnh nhi ho ra máu, xuất huyết phổi và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực hỗ trợ thở máy và theo dõi sát sao. Bệnh nhi được điều trị hỗ trợ như: điều chỉnh nước và điện giải, chống nhiễm khuẩn, chống suy gan, truyền chế phẩm máu chiếu xạ liên tục...

Với bệnh thực bào máu nghĩ do di truyền, bệnh nhi sắp tới sẽ được hóa trị liệu, thuốc ức chế miễn dịch và sau cùng có thể là ghép tủy (đây là biện pháp điều trị tận gốc).

Qua đợt tái phát nặng nề hơn 10 ngày qua, bệnh nhi đã thoát nguy kịch ngoạn mục, cai máy thở, các trị số tế bào máu đã hồi phục gần về bình thường.

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/be-trai-mac-benh-mau-an-mau-156175.html