Bé trai bị bỏng nặng nửa cơ thể

Bé trai nhập viện trong tình trạng bỏng nước nặng phần đầu, mặt, ngực, tay chân. Toàn bộ da phồng rộp.

Sáng 4/3, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho bệnh nhi C.N.M.K. (18 tháng tuổi, ngụ Bến Tre), bị bỏng nước sôi độ II, diện tích phỏng 50% giờ thứ 2.

Gia đình cho biết trước đó, mẹ bé nấu nước sôi rồi đổ vào ca nước trên bàn. Bé trai đi đến, với tay lấy khiến ca nước văng đổ tung tóe vào đầu, mặt, ngực, tay trẻ và mẹ, gây phỏng rộp da.

Mẹ bé hốt hoảng chở con nhập bệnh viện tỉnh. Bệnh nhi được sơ cứu, truyền dịch, giảm đau, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

 Bé trai qua cơn nguy kịch nhưng tình trạng vết thương rất nặng. Ảnh: BSCC.

Bé trai qua cơn nguy kịch nhưng tình trạng vết thương rất nặng. Ảnh: BSCC.

Bác sĩ Tiến cho biết thời điểm nhập viện, trẻ bị bỏng ở mặt, cổ, ngực, bụng, đùi phải, tay phải, rộp da bóng nước, diện tích khoảng 50%. Bé rơi vào tình trạng sốc, mạch nhẹ, huyết áp thấp, được các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc, giảm đau, kháng sinh, chăm sóc vết bỏng.

Hiện trẻ qua cơn nguy kịch nhưng tình trạng còn nặng. Bệnh nhi đang được chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại.

Bác sĩ Tiến cảnh báo các tai nạn sinh hoạt tại nhà thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Do đó, phụ huynh cần lưu ý những nguy cơ nhất định với trẻ như bàn ủi vừa dùng, xe gắn máy mới chạy, nguồn điện trong tầm với của trẻ, giấm hoặc xăng dầu đựng trong chai nước ngọt.

Phụ huynh cần thiết kế ngôi nhà “an toàn” cho trẻ nhỏ, luôn để mắt đến con vì một phút lơ là có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc cho bé.

Phụ huynh cũng cần bình tĩnh xử trí khi trẻ bị bỏng nước sôi. Ngay khi phát hiện, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi chỗ nguy hiểm, xối nước mát lên người trẻ khoảng 10-15 phút, thay quần áo, quấn trẻ trong khăn sạch, đưa đến bệnh viện gần nhất.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nua-nguoi-cua-be-trai-bi-bong-nang-post1189481.html