Bé trai 5 tuổi nhập viện khẩn cấp vì mẹ nhỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi

Bé bị sổ mũi, mẹ bé lấy lọ nước muối nhỏ vào mũi cho con thì bé khóc thét lên. Người nhà vội kiểm tra lại mới biết dung dịch đựng bên trong không phải nước muối mà là thuốc tẩy nốt ruồi.

Mới đây, PLO dẫn nguồn tin từ Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt của đơn vị này vừa cấp cứu thành công cho một bé trai (5 tuổi, ngụ huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị mẹ nhỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi.

Theo lời kể của mẹ bé, gia đình vẫn thường xuyên vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý (dung dịch natri chloride 0,9%) đựng trong lọ nhỏ. Khi bé bị sổ mũi, mẹ bé lấy lọ nước muối nhỏ vào mũi cho con thì bé khóc thét lên.

Khi đó, người nhà vội kiểm tra lại mới biết dung dịch đựng bên trong không phải nước muối mà là thuốc tẩy nốt ruồi do người thân của bé mới đi xin về dùng. Bệnh nhi ngay sau đó đã được đưa tới Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.

Bệnh nhi bị mẹ rỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi được khám lại sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện. Ảnh: PLO

Bệnh nhi bị mẹ rỏ nhầm thuốc tẩy nốt ruồi vào mũi được khám lại sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện. Ảnh: PLO

Tại Trung tâm Sản Nhi, bệnh nhi đã được rửa mũi bằng nước muối sinh lý để hòa loãng nồng độ ba-zơ. Nội soi đánh giá tổn thương phát hiện toàn bộ niêm mạc mũi, vòm, họng của trẻ bị loét, chưa thấy tổn thương vùng hầu họng và thanh quản. Bác sĩ đặt merocel hốc mũi hai bên cho bé để đề phòng sẹo dính, dùng kháng sinh phòng nhiễm trùng. Merocel là một loại bọt xốp có hình hố mũi.

Nhờ được phát hiện và xử trí kịp thời, các tổn thương vùng mũi họng của bé nhanh chóng hồi phục.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Thanh, Khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Trung tâm Sản Nhi, loại thuốc tẩy nốt ruồi này có thành phần chính là NaOH và KOH - là những bazơ mạnh. Bỏng bazơ gây ra những hậu quả nặng nề hơn axit nhiều lần. Vì khi nhỏ axit vào da thì tổ chức xung quanh hóa chất đông đặc lại, giúp hạn chế tổn thương, còn đối với bazơ, các tổn thương lan tỏa rộng. Do đó, chỉ với 2 giọt hóa chất có thể làm tổn thương toàn bộ niêm mạc mũi, vòm, họng của bệnh nhi.

Biến chứng thường gặp nhất sau bỏng hóa chất là việc các tổ chức trong hốc mũi gây sẹo dính với nhau làm ảnh hưởng đến chức năng thở, ngửi, bảo vệ. Từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này.

Việc sửa chữa những tổn thương sau này cần phải dùng đến phẫu thuật để chỉnh hình hốc mũi. Do đó, việc xử trí sớm ngay từ giai đoạn đầu là hết sức quan trọng.

Bác sĩ Đỗ Duy Thanh khuyến cáo các phụ huynh cần xem kỹ nhãn mác, cách sử dụng bất cứ thuốc gì trước khi dùng cho trẻ nhỏ. Gia đình tuyệt đối không để chung các loại hóa chất trong tủ thuốc, tránh nhầm lẫn.

Nếu không may nhỏ nhầm hóa chất vào mũi trẻ, bố mẹ cần bình tĩnh, có thể sơ cứu ban đầu bằng cách rửa mũi trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước nguyên chất vô khuẩn để làm loãng, rửa trôi lượng hóa chất tồn dư. Sau đó cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để có những bước xử trí phù hợp.

H.A (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/be-trai-5-tuoi-nhap-vien-khan-cap-vi-me-nho-nham-thuoc-tay-not-ruoi-vao-mui-52459.html