Bé trai 4 tuổi bị đuối nước nghiêm trọng tại công viên nước lớn nhất Thủ Đô: Phải làm gì để tránh cho trẻ bị đuối nước?

Sự việc đuối nước ở trẻ xảy ra tại công viên nước Thanh Hà một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con trẻ.

Vấn đề đuối nước ở trẻ em năm nào cũng được nhắc đến nhưng số ca đuối nước vẫn không hề giảm. Mới đây là sự việc đuối nước nghiêm trọng xảy ra tại công viên nước Thanh Hà, Mường Thanh, Hà Đông, Hà Nội, khiến một bé trai bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Cụ thể, chiều ngày (12/6) vào khoảng 18h tối, tại công viên nước Thanh Hà, một bé trai 4 tuổi đã bị đuối nước. Nhân viên cứu hộ và nhiều người dân đã nỗ lực cứu chữa cho bé. Theo thông tin ban đầu thì bé trai này đã được cấp cứu kịp thời và hiện đang được theo dõi tại bệnh viện.

Bé trai bị đuối nước tại công viên nước Thanh Hà đang được sơ cứu.

Bé trai bị đuối nước tại công viên nước Thanh Hà đang được sơ cứu.

Tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam vẫn rất cao

Sự việc đuối nước ở trẻ xảy ra tại công viên nước Thanh Hà một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con trẻ và công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung, an toàn của trẻ liên quan đến sông nước, ao hồ hay là bể bơi ở khu vui chơi, thể thao… nói riêng.

Vấn đề đuối nước ở trẻ em năm nào cũng được nhắc đến nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Theo số liệu công bố của cơ quan chức năng tại lễ phát động "Phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em, học sinh trong mùa mưa lũ" vừa diễn ra vào ngày 3/6/2019 cho thấy, số trẻ em Việt Nam thiệt mạng do đuối nước dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, khoảng 2.000 trẻ em/năm. Con số đau lòng này cao gấp 10 lần so các nước phát triển, cao hơn 5 lần các nước ASEAN, đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè ở nước ta.

Những kiến thức cha mẹ nhất định phải biết để tránh đuối nước ở trẻ

Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình.

Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em kỹ năng bơi lội và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi ở các bể bơi hay tắm sông, suối khi không có sự canh chừng của người lớn.

Bên cạnh đó, mọi người cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật cứu người bị đuối nước đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra.

Trẻ đi bơi có thể gặp rất nhiều những bệnh, tai nạn, nguy cơ đe dọa sức khỏe. Bố mẹ hãy tham khảo thêm những nguy cơ tại đây để biết cách bảo vệ con mình tốt nhất có thể nhé!

TT

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/be-trai-4-tuoi-bi-duoi-nuoc-nghiem-trong-tai-cong-vien-nuoc-lon-nhat-thu-do-phai-lam-gi-de-tranh-cho-tre-bi-duoi-nuoc-20190612221024984.htm