'Bê tông' kiểu nào ở xứ Chuột Túi?

Dự Olympic bóng đá nữ còn khó hơn World Cup như ở Tokyo 2020 vì cả châu Á chỉ có 2 vé (không kể Nhật Bản với tư cách chủ nhà).

Đây là lần hiếm hoi đội tuyển nữ Việt Nam (áo đỏ) được dự trận play-off tranh vé tới Thế vận hội

Đây là lần hiếm hoi đội tuyển nữ Việt Nam (áo đỏ) được dự trận play-off tranh vé tới Thế vận hội

Việc có mặt ở vòng play-off của các cô gái Việt Nam là cơ may có một không hai nhờ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bỏ cuộc tại vòng loại thứ 3, tuy nhiên 2 bước nữa để đến Thế vận hội lại gần như là nhiệm vụ “bất khả thi” với thầy trò HLV Mai Đức Chung. Bởi trong 3 đối thủ tại vòng đấu loại cuối cùng này (Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc), đội nào cũng ở đẳng cấp vượt trội so với tuyển nữ Việt Nam, thế mà chúng ta phải gặp đội mạnh nhất.

Là đương kim á quân Asian Cup 2018 (thua Nhật Bản 0-1 ở trận chung kết) nhưng trên bảng xếp hạng FIFA tuyển nữ Australia hiện mới là đội bóng số 1 châu Á, hạng 7 thế giới.

Nếu World Cup vẫn là giấc mơ với bóng đá nữ Việt Nam thì Australia đã 7 lần liên tiếp có mặt (trừ kỳ đầu tiên năm 1991). Họ có 5 cầu thủ đang thi đấu cho các CLB hàng đầu ở Anh (Kerr (số 20) và Foord (9) vừa cùng Chelsea, Arsenal vào chung kết FA Women’s League Cup) và Đức (Bayern Munich).

Ngoài trình độ chơi bóng, các cô gái chúng ta còn quá thua thiệt về thể hình, tầm vóc. Không có Chương Thị Kiều (1,66m) cầu thủ cao nhất của nữ Việt Nam là trung vệ Hồng Nhung cũng chỉ 1,6m. Trong khi đó 18/20 học trò của HLV Milicic cao từ 1,6m trở lên, trong đó có 9 người trên 1,7m, đặc biệt tiền đạo đang khoác áo Bayern Munich Gielnik (15) cao tới 1,83m.

Cứ lấy 2 chiến thắng “hủy diệt” của Australia tại vòng loại thứ 3 vừa qua trước 2 đối thủ tương đồng với Việt Nam là Đài Loan (7-0) và Thái Lan (6-0) đủ biết sức mạnh của đội tuyển nữ xứ Chuột Túi như thế nào.

Chính vì vậy suốt hơn nửa tháng qua, chọn 3 “quân xanh” là các đội bóng nam U.15 PVF (thua 0-3), U.15 Hà Nội (0-0) và các cựu cầu thủ thế hệ SEA Games 2003 (1-4), HLV Mai Đức Chung chủ trương xây dựng hàng phòng ngự thật dày với sơ đồ 3 trung vệ nhưng thực chất là 5-4-1 tập trung quân số trên phần sân nhà, đồng thời tăng cường khả năng chống bóng bổng và sức mạnh va đập.

Tuy nhiên không thể cứ “đổ bê tông”, bị động chống trả, bởi đến lúc nào đó hệ thống phòng ngự cũng không còn sức chống chịu, gãy đổ. Để giải tỏa sức ép, khi đoạt được bóng, các cầu thủ phải có phương án chuyển ra vị trí 2 biên để tổ chức phản công nhanh. Tất nhiên so sánh với tuyển nữ Trung Quốc là khập khiễng nhưng trận hòa 1-1 trong thế dẫn trước khiến chủ nhà Australia “mướt mồ hôi hột” của các cô gái cũng có thể hình “thấp bé nhẹ cân” hơn này là bài học mà thầy trò HLV Mai Đức Chung có thể vận dụng.

Hạn chế bàn thua thấp nhất tại Australia để còn có động lực ở trận lượt về trên sân nhà, đó là mục tiêu. Nhưng có ai nghĩ Quang Hải từng đánh bại Australia tại VCK U.23 châu Á 2018? Đông Kha

Có bàn thắng cũng sẽ là lịch sử

Tuyển nữ Việt Nam đã 7 lần đối đầu với nữ Australia, kết quả đều thất bại, nhận 37 bàn thua và chưa ghi được bàn thắng nào. Tỷ số đậm nhất là 0-11 ở trận giao hữu vào năm 2015 trong chuyến tập huấn tại Australia để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Rio 2016. Còn gần nhất là ở vòng bảng VCK Asian Cup 2018 thua 0-8.

Chính vì thế không có gì ngạc nhiên chưa đá play-off với Việt Nam, tuyển nữ Australia đã có kế hoạch du đấu giao hữu chuẩn bị cho Olympic 2020, gặp ĐKVĐ thế giới Mỹ vào ngày 10-4 và sau đó thi đấu với chủ nhà Canada vào ngày 15-4. Chỉ cần ghi bàn tại Sydney cũng là lịch sử với bóng đá nữ Việt Nam.

Trận play-off lượt đi giữa tuyển nữ Australia và Việt Nam sẽ diễn ra vào 14 giờ 30 giờ Việt Nam hôm nay 6-3, được trực tiếp trên kênh FOX Sports (trận lượt về trên sân Cẩm Phả vào ngày 11-3). Cặp play-off còn lại giữa Hàn Quốc - Trung Quốc được hoãn đến ngày 9 và 14-4.

Trung Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202003/play-off-luot-di-olympic-2020-nu-australia-viet-nam-be-tong-kieu-nao-o-xu-chuot-tui-2991604/