Bê tông hóa Tam Đảo: Đừng để rồi tiếc nuối

Xu thế bê tông hóa không chỉ khiến Tam Đảo ngột ngạt mà còn có nguy cơ phá hỏng cả lá phổi xanh của Hà Nội...

Mặc dù đã có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tam Đảo, nhưng ngay sau quy hoạch này tình trạng xây dựng tràn lan, mạnh ai nấy làm cũng rầm rộ diễn ra.

Theo phản ánh, những siêu khách sạn liên tục được xây dựng với quy mô gần chục tầng, diện tích sàn lên đến hàng chục nghìn m2, sừng sững trên các tuyến đường dẫn lên Tam Đảo như Thác Bạc, đường lên Đàn Bà Chúa Thượng Ngàn... đe dọa nghiêm trọng tới cảnh quan nơi này.

Nhiều đại công trình xẻ núi, san đồi tại Tam Đảo. Ảnh: TPO

Nhiều đại công trình xẻ núi, san đồi tại Tam Đảo. Ảnh: TPO

TS Hà Thanh Hải, chuyên gia du lịch bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng quá tải về hạ tầng, đường nhỏ hẹp, thiếu bãi đỗ xe của Tam Đảo (Vĩnh Phúc) mà nguyên nhân là do việc xây dựng tràn lan, hàng loạt nhà hàng, khách sạn khoét núi, xây dựng bê tông khiến bộ mặt một thành phố trong mây, trong sương trở nên nham nhở, xấu xí.

Vị TS cho biết, Huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với thị trấn Tam Đảo được xây dựng từ thời Pháp thuộc làm khu nghỉ mát, nhưng chỉ ít năm gần đây, Tam Đảo đã bị chia ra làm hai Tam Đảo I và Tam Đảo II, đều đang được đầu tư du lịch theo cách gây ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng tới cảnh quan.

"Tam Đảo I bây giờ đã không khác Sapa, mật độ bê tông hóa quá mức, nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát, rừng xanh bị đánh đổi, không theo tiêu chí phát triển bền vững chung.

Trong khi Tam Đảo II cũng đang xảy ra tình trạng đánh đổi rừng, làm cáp treo, xây khách sạn, rất đáng lo ngại.

Bài học từ rất nhiều khu du lịch chúng ta đã có rồi nhưng tình trạng phát triển du lịch tự phát, cấp phép tràn lan vẫn đang diễn ra.

Nên nhớ, Tam Đảo được ví như lá phổi xanh của Hà Nội, nếu phá đi để phát triển du lịch kiểu bê tông hóa, thiếu bền vững sẽ không bao giờ lấy lại được nữa", vị TS lo lắng.

Ông nhắc lại bài học từ Sapa để nhấn mạnh, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là mong muốn được khám phá những khu du lịch còn nguyên sơ, tự nhiên, chứ không phải leo tên Tam Đảo, Sapa để chịu cảnh chật chội, đông đúc, chỉ có nhà với nhà.

Họ tìm tới những nơi đó là để tìm kiếm những nét đẹp văn hóa đặc trưng, đó là những nhà sàn, là văn hóa lúa nước, là đời sống sinh hoạt của người bản địa... Nếu không rút ra được bài học từ thực tế trên, cứ chạy theo thu hút khách du lịch đông nhưng không hướng tới mục tiêu thu hút bền vững thì hậu quả mà tương lai phải gánh chịu sẽ là rất nặng nề.

Theo vị chuyên gia, điều quan trọng nhất là việc phát triển du lịch theo hướng thiếu bền vững sẽ khiến chúng ta mất dần những nguồn khách du lịch nước ngoài chất lượng cao, không lâu bền và cũng ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Trước những lo ngại trên, vị TS đưa ra cảnh báo: "Cứ phát triển du lịch tùy tiện như hiện nay đến một thời điểm nào đó Tam Đảo hay Sapa cuối cùng chỉ còn thấy nhà với nhà, không còn khách đến nữa, đến khi đó, không những tài nguyên bị hủy hoại, du lịch ảnh hưởng, mà địa phương chắc chắn cũng phải gánh hậu quả rất nặng nề".

Dẫn thêm ví dụ về tình trạng phát triển du lịch thiếu bền vững để chứng minh, TS Hà Thanh Hải nhắc lại bài học tư hang Sơn Đoòng.

Theo vị chuyên gia, trước chưa có cáp treo, một khách Tây sẽ phải trả khoản chi phí khoảng 4.500 USD cho một tour địa phương, bao gồm: thuê người dân mang ba lô, chỉ đường, nấu ăn... Như vậy, người dân địa phương vừa có nguồn thu vừa kích thích tính khám phá của du khách. Tuy nhiên, bây giờ khách chỉ cần đi cáp treo, không cần đến người dân nữa, như vậy, có thể tạo ra nguồn thu cho địa phương nhưng làm mất đi nguồn thu của người dân, dẫn tới những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người dân địa phương.

Hơn nữa, khách nước ngoài nếu trước đây đã đến Sơn Đoòng thì đều muốn quay lại, còn bây giờ lượng khách quay lại rất ít.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia dẫn chứng thêm về tình trạng phát triển du lịch tự phát, thiếu quy hoạch, buông lỏng quản lý không chỉ khiến rừng bị xâm hại mà nhiều di sản văn hóa cổ cũng được cảnh báo đang bị phá hủy.

Ông đề cập tới những lò gạch cổ đang có nguy cơ bị phá nát tại Mang Thít, Vĩnh Long. Theo đó, tại khu di sản này có khoảng hơn 1 nghìn lò gạch cổ được xây dựng từ thời xa xưa. Hiện tại ở Anh, những lò gạch tương tự đã được công nhận là di sản quý.

Ở Vĩnh Long hiện nay do công tác quản lý không tốt, nhiều lò gạch đã bị người dân phá đi để lấy vật liệu, rất đáng tiếc.

"Một lò gạch bán cho người dân phá đi lấy gạch chỉ được khoảng 6 triệu đồng, nhưng nếu nhận thức đầy đủ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của những lò gạch này, biết giữ lại biến nó thành những homestay, hoặc những lớp học dạy làm gốm... có như vậy mới phát triển bền vững, người dân mới có tiền.

Rất nhiều tài nguyên, di sản quý như vậy mà không được gìn giữ, bảo vệ, thay vào đó lại chỉ tìm cách để phá bỏ đi.

Đó là chưa nói tới tình trạng quy hoạch hạ tầng phải chạy theo quy hoạch du lịch dẫn tới tình trạng quá tải, ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển, đời sống xã hội", vị chuyên gia tiếc nuối.

Là người làm du lịch nhiều năm, TS Hà Thanh Hải nói thẳng, cách làm du lịch kiểu tư duy "nhiệm kỳ", tầm nhìn ngắn hạn như ở Tam Đảo nói riêng cũng như của ngành du lịch nói chung hiện nay không mang lại nhiều ích lợi cho cả xã hội cũng như kinh tế. Muốn phát triển du lịch bền vững điều đầu tiên phải thay đổi tư duy từ tầm chiến lược quản lý. Quy hoạch phát triển du lịch phải cụ thể, được lấy ý kiến từ nhiều bên, tránh tình trạng cứ phá rồi chạy theo để sửa.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/be-tong-hoa-tam-dao-dung-de-roi-tiec-nuoi-3422843/