Bê tông hóa đình Lương xá, Ứng Hòa: Đình chỉ vẫn thi công

Sau bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị ngày 31/7 về tình trạng bê tông hóa ngôi đình 300 tuổi - đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), các cơ quan chức năng đã vào cuộc yêu cầu đình chỉ thi công. Tuy nhiên, trở lại di tích sau sự vào cuộc của nhà chức trách vẫn thấy nóng hổi bức xúc của người dân.

Đình Lương Xá vẫn tiếp tục được thi công. Ảnh: Thanh Loan

Quyên tiền kiểu bổ đầu

Sau khi sự việc phá dỡ di tích đình Lương Xá bị truyền thông phản ánh, ông Phạm Tự Khải – Trưởng thôn Lương Xá, đại diện Ban Khánh tiết đình tỏ ra khó chịu với sự xuất hiện của các phóng viên. Ông cho rằng, Ban Khánh tiết (gồm 15 người là đại diện các tổ chức đoàn thể của thôn) đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn với toàn thể Nhân dân, thống nhất phương án đóng góp tu bổ và hạ giả đình. Ban Khánh tiết không tự làm và khuất tất. “Số tiền tu bổ dự kiến khoảng 5 tỷ đồng, có các “mạnh thường quân” ủng hộ gần 3,5 tỷ đồng. Chúng tôi huy động Nhân dân trong thôn khoảng 1,5 tỷ đồng. Thôn Lương Xá có khoảng 1.200 nhân khẩu, dự tính mỗi người 800 nghìn là đủ chi phí tu bổ” – Ông Khải cho hay.
Cho dù ông Khải khẳng định người dân trong thôn Lương Xá rất đồng thuận với việc đóng góp này. Đến nay hơn 80% người dân đã tự nguyện đóng góp, có gia đình còn đóng cao hơn mức 800 nghìn đồng. Tuy nhiên, thực địa một vòng quanh thôn Lương Xá, gặp người dân đang sinh sống ở đây được biết: Các cụ họp như thế nào không biết, chỉ biết thông báo lên loa thôn bổ đầu mỗi người 800 nghìn đồng.

Năm 2017, nhà chị Nguyễn Thị Thanh, sống gần di tích có 5 nhân khẩu: 2 vợ chồng và 3 đứa con (7 tuổi, 4 tuổi và mới sinh chưa đầy 1 tuổi) phải đóng 4 triệu đồng, nhưng do chưa có đủ tiền, nên chị Thanh xin khất đóng 1 nửa. Còn 2 triệu đồng chị dự định phải đóng góp trong vòng nửa năm sau. Nhiều người dân khi được hỏi về các khoản đóng này cũng tỏ ra bức xúc, nhưng ngại nêu tên. Đặc biệt, họ cho rằng lúc đầu chỉ nghĩ đóng tiền sửa đình để khi ra họp, thắp hương có chỗ ngồi chắc chắn, chứ việc bê tông ngôi đình cổ cũng cho rằng không phù hợp.

Trước phản ánh của người dân đến một số cơ quan báo chí, ông Khải bức xúc: “Tối nay (31/7) tôi sẽ mời họp toàn thể Nhân dân xem ai ý kiến không đúng sự thật. Chúng tôi quyên tiền theo tinh thần tự nguyện, dán thông tin công khai ở di tích, có làm dối đâu”.
Trao đổi với ông Lương Ngọc Hoàng – Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Ứng Hòa, ông cũng không tin rằng chính quyền nơi đây quyên góp theo kiểu bổ đầu nhân khẩu. “Chắc là 800 nghìn đồng/hộ dân chứ làm gì trên đầu người. Việc huy động vốn là do thôn thực hiện, phòng VH&TT không biết”. Dù thế nào thì việc phân bổ theo nhân khẩu để huy động tu bổ di tích là điều hiếm thấy và sai quy định về cách thức huy động xã hội hóa.

Cận cảnh những bản trạm khắc bằng gỗ được lưu giữ trong nhà văn hóa thôn Lương Xá. Ảnh Thanh Loan

Vẫn tiếp tục thi công
Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị đình chỉ thi công công trình vi phạm này. Ông Lương Ngọc Hoàng cho biết: 18 giờ ngày 30/7, ông đã đến kiểm tra hiện trạng di tích ghi nhận việc thi công đã tạm dừng, các cấu kiện gỗ đã được phủ bạt bảo quản. Hoành phi câu đối lưu giữ bên trong nhà văn hóa thôn Lương Xá. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, sáng 31/7, các công nhân vẫn thi công bình thường. Việc trộn xi măng, hàn cắt, lắp ráp các cột bê tông vẫn diễn ra. Phản ánh lại tình trạng này với ông Lương Ngọc Hoàng, ông cho biết: “Tôi sẽ đến kiểm tra lại. Nếu sai tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo thôn thực hiện đúng theo quy định”.
Công trình đình Lương Xá được hạ giải vào tháng 4/2018, ông Hoàng có nắm được sự việc, nhưng mới chỉ nhắc nhở, chưa tham mưu cho huyện ra văn bản xử lý vi phạm. Đến ngày 30/7, sau khi truyền thông phản ánh các cơ quan chức năng của huyện Ứng Hòa mới bắt đầu vào cuộc. Được biết, cuối năm 2017, UBND xã Liên Bạt đã làm tờ trình xin tu sửa di tích đình Lương Xá. Tuy nhiên, vì thiếu các thủ tục về tu bổ, nên ông Hoàng đã có văn bản đề nghị UBND xã Liên Bạt tổ chức lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ tôn tạo đình theo quy định, đặc biệt yêu cầu xác định rõ nguồn vốn. Khi chưa hoàn thành thủ tục, thôn đã hạ giải toàn bộ ngôi đình có từ thời hậu Lê, tiến hành nâng nền, biến các hạng mục từ vật liệu gỗ thành xi măng cốt thép. Ngôi đình 300 tuổi bỗng trở nên mới.

Theo biên bản cuộc họp giữa các đơn vị liên quan ngày 30/7, ông Phạm Tự Khải – Trưởng thôn Lương Xá thông tin năm 2017, chính quyền thôn cũng đã tổ chức họp dân thống nhất mỗi khẩu đóng 200 nghìn đồng để tu sửa đình. Nhưng đến cuối năm sau khi khảo sát nhận thấy chi phí tu sửa phải hơn tỉ đồng nên thôn đã họp dân và thống nhất đóng góp 800 nghìn đồng/khẩu.
Sau khi kiểm tra và đánh giá hiện trạng vi phạm, Sở VH&TT Hà Nội đã ra văn bản số 2882/SVHTT-BQLDT gửi UBND huyện Ứng Hòa đề nghị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc để xảy ra sai phạm tại di tích. Tuyên truyền, phố biến đến chính quyền, Nhân dân địa phương thực hiện đúng các quy định. Báo cáo bằng văn trong đó đề xuất phương án khắc phục hậu quả gửi Sở VH&TT Hà Nội tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định trước ngày 15/8/2018.

Linh Anh - Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/be-tong-hoa-dinh-luong-xa-ung-hoa-dinh-chi-van-thi-cong-322104.html