Bế tắc đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều: Con đường bất định kéo dài

Cách đây một năm, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore, họ đã cam kết thay đổi và đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này giờ đây vẫn không đạt được tiến triển gì đáng kể sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc trong bế tắc.

Bế tắc

Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore, ông Kim Jong-un đã ký một thỏa thuận với những từ ngữ không rõ ràng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump khi đó đã ca ngợi đây là một sự kiện đột phá mang tính lịch sử. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Việt Nam hồi tháng 2-2019 đã bất ngờ kết thúc sớm, thậm chí hai nhà lãnh đạo không tham dự bữa trưa đã được lên kế hoạch sau khi hai bên không thống nhất được về những gì mà Triều Tiên phải từ bỏ để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Hai nhà lãnh đạo đến Hà Nội với cách tiếp cận rất khác nhau - Mỹ muốn một thỏa thuận tổng thể, trong khi Bình Nhưỡng tìm kiếm một tiến trình "từng bước một" - và cùng cáo buộc nhau về việc không đạt được thỏa thuận.

Washington chỉ trích Bình Nhưỡng vì đã đưa ra yêu cầu chấm dứt các biện trừng phạt để đổi lấy việc giải giáp một phần, trong khi Triều Tiên nói rằng nước này muốn một số biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ để đổi lấy việc đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất hạt nhân tại khu tổ hợp Yongbyon.
Đến nay, tiến trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên vẫn bế tắc và các chuyên gia phân tích cho rằng hai bên đã "thức tỉnh sau một giấc mơ”. Ông Andrei Lankov - Giáo sư tại trường ĐH Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc), nhận định "Sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, dư luận đã có những kỳ vọng hoàn toàn phi hiện thực và hài hước. Sau đó, ngày càng có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đã chấm dứt các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa hồi năm ngoái, đồng thời nối lại tình hữu nghị giữa hai nước một cách nhanh chóng, mở đường cho hội nghị thượng đỉnh tại Singapore.

Tuy nhiên, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đã "nuốt lời" và yêu cầu Mỹ từ nay đến cuối năm phải thay đổi cách tiếp cận. Tháng trước, Triều Tiên đã bắn một vài quả tên lửa tầm ngắn lần đầu tiên kể từ tháng 11-2017. Trước những diễn biến này, chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm vì Lợi ích quốc gia cho rằng "chúng ta đã chuyển từ trạng thái le lói tia hy vọng sang một con đường bất định”.

Giới chức Mỹ cho biết, họ không có sự liên lạc trực tiếp nào với Triều Tiên kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, đồng thời ngày càng tỏ ra thất vọng về sự im lặng của Bình Nhưỡng. Thay vì đưa ra quan điểm của mình, thông qua truyền thông nhà nước, Triều Tiên đã yêu cầu loại bỏ những cố vấn cấp cao của ông Trump là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - đồng thời cảnh báo về việc Bình Nhưỡng tim một "con đường mới" nếu Washington không thay đổi cách cư xử.

Theo chuyên gia Kazianis, "tình trạng bế tắc hiện nay chắc chắn sẽ kéo dài vô hạn định, trừ khi hai bên có thể xác định chính xác tại sao điều đó lại xảy ra”. Ông Kazianis nói rằng tại Hà Nội, Mỹ đã đưa ra một yêu cầu cơ bản là Bình Nhưỡng phải "đầu hàng về mặt ngoại giao và quân sự," nhưng cho biết thêm Triều Tiên không nên kỳ vọng vào việc được "dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất" trong khi họ chỉ phải đóng cửa mỗi cơ sở hạt nhân Yongbyong. Trong một báo cáo vắn tắt, Nhóm Eurasia cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ kéo dài thế bế tắc hiện tại "để ngăn tiến trình hạt nhân đi trệch hướng hoàn toàn”.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Bóng trong chân Triều Tiên?

Giới chức tại Washington cho biết, họ đã đề xuất các cuộc đàm phán ở cấp độ chuyên viên với Bình Nhưỡng, song chưa có kế hoạch cho một hội nghị thượng đỉnh khác cho đến khi tìm ra được một thỏa thuận. Trong bối cảnh tổng thống Mỹ khẳng định ông "không vội vàng" và dường như muốn giữ nguyên hiện trạng, các nhà phân tích cho rằng quả bóng hiện đang ở phía Triều Tiên. Ông Trump đã thể hiện sự bình tĩnh trước các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, một lần nữa khẳng định niềm tin đối với ông Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo mà ông miêu tả như một "người đàn ông có lẽ muốn gây sự chú ý".

Go Myong-hyun, chuyên gia phân tích thuộc Viện Asan về Nghiên cứu chính sách, cho rằng với việc các biện pháp trừng phạt vẫn được duy trì, Mỹ hy vọng có thể gia tăng áp lực với Triều Tiên, buộc nước này phải nhượng bộ. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đang có dấu hiệu trở lại "chu kỳ khiêu khích truyền thống”. Trong khi đó, chuyên gia Lankov nhận định rằng Triều Tiên muốn dùng các vụ phóng tên lửa để "nhắc nhở một cách thiện chí với Tổng thống Donald Trump rằng Triều Tiên vẫn tồn tại và sẵn sàng đàm phán”. Ông cũng nói thêm rằng Triều Tiên "chắc chắn" sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân trừ phi Mỹ chấp thuận các điều kiện của nước này.

Tuy nhiên, theo ông Lankov, ngay cả khi hai nhà lãnh đạo có tính khí hay thay đổi này quay trở lại bàn đàm phán lần thứ ba, bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng sẽ "khó đạt được”. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng "Mỹ sẽ không chấp nhận một nước Triều Tiên sở hữu hạt nhân và Triều Tiên cũng không thể sống thiếu vũ khí hạt nhân”. Chính vì vậy, chắc chắn là bế tắc sẽ còn kéo dài.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/be-tac-dam-phan-hat-nhan-my-trieu-con-duong-bat-dinh-keo-dai-151864.html