Bệ phóng cho sinh viên khởi nghiệp

Để phát triển toàn diện, tự tạo được cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường, năng lực, nỗ lực, quyết tâm của bản thân sinh viên thôi chưa đủ… Đó là những chia sẻ của các sinh viên ưu tú tham dự Đại hội đại biểu Hội Sinh viên TP Hà Nội khóa VII.

Các bạn trẻ trải nghiệm không gian sáng tạo tại ĐH Hội Sinh viên TP Hà Nội khóa VII. Ảnh : Văn Điệp

Điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp

Hà Ngọc Anh, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Student Life Care, người khởi nghiệp thành công chỉ với 500 USD, cho rằng, mỗi bạn trẻ muốn khởi nghiệp cần phải xác định được cho bản thân hình mẫu cụ thể muốn hướng đến. Để khởi nghiệp hội tụ được điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là lửa quyết tâm, dù khó khăn cũng không bỏ cuộc; điều kiện đủ là vốn, đội ngũ người bạn đồng hành và ý tưởng.

Ngọc Anh cho rằng, có ý tưởng khởi nghiệp nhưng ý tưởng đó phải được kiểm chứng trong thực tế, bởi nhiều ý tưởng khi vạch ra rất hay nhưng triển khai thực tế lại thất bại. Và muốn thành công hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, gần gũi. “Sinh viên rất giàu ý tưởng. Khi có ý tưởng bạn hãy bắt tay vào làm ngay để kiểm nghiệm được ý tưởng đó đúng hay sai. Và hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như bán trà sữa ở trường. Bán được trà sữa nghĩa là bạn đã học được cách làm kế toán, marketing một sản phẩm… Đó sẽ là kinh nghiệm thực tiễn để bạn chinh phục những “ngọn núi” cao hơn”, Ngọc Anh chia sẻ.

Nguyễn Thị Hồng Minh, sinh viên Đại học Nội vụ, hiện khởi nghiệp với mô hình làm đẹp từ dược liệu Việt Nam, khẳng định, khởi nghiệp đang là một vấn đề thu hút được xã hội quan tâm, đặc biệt có sức hút cực kỳ lớn đối với giới trẻ. Theo Hồng Minh, nếu như trước kia, mục đích cuối cùng của sinh viên là ra trường, kiếm được một công việc ổn định thì hiện nay rất nhiều bạn đã thay đổi tư duy. Dù đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng nhiều bạn trẻ luôn khát khao thành công, khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp.

Từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, Hồng Minh đề xuất cần xây dựng những cộng đồng khởi nghiệp dành cho sinh viên cùng các chuyên gia, để các bạn trẻ nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời trên con đường khởi nghiệp đầy khó khăn. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư,... xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên Thủ đô.

Theo anh Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, để khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp và chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành hiện thực, người bạn gần gũi thân thiết nhất của sinh viên là tổ chức Hội trong các trường đại học, cao đẳng. Anh Sơn cho rằng, tổ chức Hội là nơi kết nối nguồn lực xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên khởi nghiệp.

“Ý tưởng khởi nghiệp có thể xuất phát từ một hoặc một vài cá nhân nhưng khi triển khai cần nhiều đến sự kết nối và tham gia của xã hội. Sự kết nối các nguồn lực của xã hội này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ trực tiếp cho các bạn trẻ khởi nghiệp mà kết nối để cùng chung tay phát triển hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nói chung”, anh Sơn nói và đề xuất xây dựng cổng thông tin điện tử để kết nối những bạn trẻ khởi nghiệp với những chuyên gia, nhà khoa học, những nhà đầu tư, những trung tâm, vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đó huy động và phát huy các nguồn lực của xã hội hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp.

Xây dựng cộng đồng sinh viên 5 tốt

Vũ Đình Hoàng, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội khẳng định “Sinh viên 5 tốt” là một phong trào rất tốt, tạo động lực phấn đấu và môi trường phát triển toàn diện cho mỗi bạn sinh viên. Tuy nhiên, Hoàng cho rằng quá trình xây dựng phong trào “Sinh viên 5 tốt” vẫn còn một số bất cập. “Công tác truyền thông về phong trào “Sinh viên 5 tốt” chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên.

Trong khi với các tiêu chí toàn diện: Đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt, phong trào “Sinh viên 5 tốt” hiện diện gần như hàng ngày, hàng giờ, có mặt trong tất cả các hoạt động hàng ngày của sinh viên. Nhưng vì công tác truyền thông chưa được thường xuyên nên sinh viên không thấy được vai trò, sự hiện diện hàng ngày hàng giờ của “Sinh viên 5 tốt” trong cuộc sống của họ”, Hoàng nói.

Hoàng cho rằng, phong trào “Sinh viên 5 tốt” là kết quả của một quá trình phấn đấu đầy nỗ lực, và toàn diện mới đạt được, chứ không chỉ là một danh hiệu đơn thuần. Vì vậy, khi truyền thông không chỉ bó hẹp trong sinh viên nhà trường mà phải mở rộng ra toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để họ thấy được giá trị của những “Sinh viên 5 tốt”. Thực tế, nhiều bạn đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương nhưng khi cầm hồ sơ xin việc, hầu hết nhà tuyển dụng không biết và không quan tâm gì đến danh hiệu này.

Anh Đỗ Việt Bách, trưởng phòng tuyển dụng FPT Software, người từng đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khẳng định, “Sinh viên 5 tốt” thực sự là những người xuất sắc toàn diện. Để phát triển phong trào, cán bộ Hội phải là những người đầu tiên đạt danh hiệu này làm hạt nhân nòng cốt. Anh Bách cho rằng, cần xây dựng một cộng đồng “Sinh viên 5 tốt” để những bạn đã đạt danh hiệu này thường xuyên kết nối với nhau, chia sẻ thông tin và có thể cùng hợp tác để thực hiện các chương trình, hoạt động như khởi nghiệp…

Lưu Trinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/be-phong-cho-sinh-vien-khoi-nghiep-1337521.tpo