Bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV- Đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm

Hôm nay (24/11), phát biểu trong phiên bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, trong 26 ngày (từ 23/10 đến 24/11/2017), với tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại kỳ họp đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.

Toàn cảnh phiên bế mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV

Thẳng thắn và trách nhiệm

Theo Chủ tịch Quốc hội, qua nghị trình kỳ họp, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức phấn đấu hoàn thành 13 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.

“Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại trong một số ngành, lĩnh vực; đánh giá nguyên nhân của mặt được và chưa được”- Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, các đại biểu Quốc hội cũng dành thời gian phân tích, dự báo những nguy cơ, thách thức mà nước ta phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành phải có các giải pháp đột phá, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì mới có thể hoàn thành được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với sự nhất trí và quyết tâm chính trị cao, Quốc hội đã quyết định thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Bên cạnh đó, trên cơ sở thảo luận nhiều lần, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 06 luật, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong các lĩnh vực quy hoạch, quản lý nợ công, cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phát triển lâm nghiệp, thủy sản, tăng cường, thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới.

“Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về 09 dự án luật khác để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí...” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói và cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, các dự thảo luật sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng để có thể trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp sau.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” và thông qua Nghị quyết về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

“Đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội tiếp tục giám sát nội dung này, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Sôi nổi, xây dựng

Trong buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc kỳ họp chiều nay, đánh giá về hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh tổng kết: “Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng” và cho biết, tại kỳ họp, đã có 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 105 phiếu chất vấn, với 194 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Và trong thời gian 3 ngày chất vấn, đã có 191 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 37 lượt đại biểu tham gia tranh luận thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ mà còn tranh luận làm rõ vấn đề.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn là những vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm. Các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện, Quốc hội giám sát, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.

Trước phiên bế mạc, trao đổi bên hành lang Quốc hội về các phiên tranh luận tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Đoàn chủ tọa đã cố gắng để mỗi đại biểu có điều kiện nói rõ quan điểm, lập luận, chính kiến của mình và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, quyết định vấn đề đó một cách chắc chắn, đầy đủ và chính xác hơn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, diễn đàn Quốc hội nói chung và các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, thực sự là nơi để đại biểu nói sâu và đầy đủ hơn, là điều kiện để “cọ sát”, trao đổi để đi đến chọn ra được phương án tốt nhất cho mỗi vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/be-mac-ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xiv-doi-moi-sang-tao-va-trach-nhiem.html