Bế mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14

Sáng 21.6, Quốc hội tổ chức phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 3, khóa 14.

Sáng 21.6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Ngay sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo dự thảo, nợ xấu dù của pháp nhân, tổ chức nào thì cũng phải tập trung để xử lý, để việc xử lý nợ xấu có hiệu quả, các cơ quan phải phối hợp để triển khai thực hiện xử lý nợ xấu trong 6 tháng cuối năm.

Cũng trong sáng nay, Phó tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các dự thảo Luật

Người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với hơn 93% tổng số đại biểu tán thành.

Có ý kiến đại biểu (ĐB) cho rằng nếu quy định biển số xe được phép đấu giá thì cần bỏ khoản 22 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ quy định về cấm mua bán biển số xe. Ngoài ra, nếu cho phép đấu giá thì biển số xe sẽ là tài sản của cá nhân, cá nhân có quyền đem bán biển số này khi không sử dụng?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với biển số xe, việc đấu giá (nếu có) không được làm ảnh hưởng tới việc quản lý nhà nước đối với phương tiện giao thông vì mỗi biển số được cấp gắn với một phương tiện giao thông. Người trúng đấu giá không được quyền bán lại biển số xe đã cấp. Vì vậy, việc này không mâu thuẫn với khoản 22 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ.

Người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong sử dụng thực phẩm

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, một số ý kiến của ĐB QH cho rằng, nhận định “một phần trách nhiệm cho người tiêu dùng là không khách quan”, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, hiện nay có một số người tiêu dùng biết thực phẩm độc hại, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn sử dụng, vì vậy “có một phần trách nhiệm của người tiêu dùng” là phù hợp.

Một số ĐB đề nghị bỏ nội dung bỏ thí điểm triển khai thanh tra về ATVSTP tại Hà Nội và TP.HCM, UB TVQH cho rằng việc thí điểm này là hiệu quả, cần thiết nên đề nghị QH giữ nội dung này trong nghị quyết.

Một số ý kiến cho rằng nên sử dụng kinh phí tiền phạt về ATVSTP cho việc khen thưởng, UB TVQH cho rằng nên cho phép áp dụng.

Thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, để khắc phục những yếu kém trong ngành ATVSTP, UB TVQH giao Chính phủ đến hết 2018, kiện toàn cơ bản về bộ máy nhà nước, làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan. Phấn đấu giảm mạnh vụ ngộ độc thực phẩm; giải quyết dứt điểm những vấn đề yếu kém, kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm giả, kiểm soát môi trường đất…

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATVSTP. Được trích một phần tiền phạt an toàn vệ sinh thực phẩm để khen thưởng kịp thời.

Tiến hành biểu quyết về Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020, 94.09% đại biểu tán thành.

Đình hoãn với những công trình không khả thi

Phó tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội ghi nhận những ý kiến của ĐB QH về 4 lĩnh vực. Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư, đình hoãn với những công trình không khả thi, kém hiệu quả. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong 2017 sẽ sửa đổi bổ sung luật, chú trọng giải pháp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả liên kết giữa 4 nhà, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch.

Đối với y tế, thực hiện giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong khám chữa bệnh, cải thiện thái độ của nhân viên y tế; khắc phục tình trạng trục lợi trong bảo hiểm y tế; giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đồng thời kiểm tra chất lượng thuốc, giá thuốc, đấu giá thuốc.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 93,28 % ĐB đồng ý.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 - 2016”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kỳ họp Quốc hội lần này đã chỉ ra những mặt yếu kém, hạn chế trong các lĩnh vực. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải tăng cường chỉ đạo, có những chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc thu chi ngân sách nhà nước.

Quốc hội cũng xem xét việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo bà Ngân, phải đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án, việc thu hồi đất phải đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự để không ảnh hưởng đến người dân.

Bà Kim Ngân cho rằng các ĐB đã thẳng thắn nêu ý kiến, thảo luận, tranh luận với các thành viên Chính phủ và các ĐB khác về những vấn đề có ý kiến khác nhau, đã góp phần nâng cao chất lượng trong cuộc họp QH.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan tổ chức trong phạm vi quyền hạn của mình triển khai các luật được QH thông qua, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tốt để tạo ra chuyển biến trong thời gian tới.

-----------***-----------

Sáng 21.6, tại phiên họp bế mạc Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, giai đoạn 2011 - 2016.

Sau gần 1 tháng làm việc, Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết. So với kỳ họp trước, số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này tăng 9 dự án luật, số dự thảo nghị quyết tăng 4 văn bản.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13

Cũng tại kỳ họp họp này, Quốc hội dành thời gian xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; thông qua Nghị quyết về việc thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018.

Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào...

Ngọc Lê

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/truc-tiep-be-mac-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-14-847530.html