Bế mạc hội nghị 'Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững'

Trưa 18-12, hội nghị 'Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững' do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đã bế mạc tại TP Đà Nẵng. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu bế mạc.

Sau gần 2 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, hội nghị đã hoàn thành mục tiêu, nội dung và chương trình đề ra. Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định Bộ Công cụ tự đánh giá Nghị viện (viết tắt là Bộ Công cụ) do IPU và UNDP xây dựng và ban hành có nội dung cô đọng, mang tính chất định hướng, có các tiêu chí cụ thể để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Đối với Bộ Công cụ, tùy điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển mà mỗi nước có thể xem xét áp dụng ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc triển khai Bộ Công cụ này như: Fiji, Serbia, Djibouti, Mali, SriLanka, Bangladesh, Indonexia và đánh giá cao tính thực tiễn và toàn diện của nội dung Bộ Công cụ.

Phát biểu bế mạc, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, các kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và áp dụng Bộ Công cụ tự đánh giá trong thời gian tới. Các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định các Nghị viện thành viên đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu SDGs và cho rằng, các mục tiêu SDGs, nhất là những mục tiêu liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường...là các mục tiêu tốt đẹp, hướng tới sự công bằng, phát triển toàn diện của xã hội và điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của Việt Nam. Tuy vậy, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện các SDGs là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách…cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu tại phiên bế mạc.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã luôn là quốc gia tiên phong và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới. Hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để nội luật hóa các cam kết quốc tế hoặc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ. Chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, phân công một phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đến nay, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ và thống nhất ý chí trong việc thực hiện SDGs.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs và sử dụng Bộ công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, các ý kiến tại hội nghị cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin…nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về các mục tiêu SDGs; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam. Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu SDGs.

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trân trọng cảm ơn IPU và UNDP đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công hội nghị quan trọng này. Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện thành công các hoạt động này trong thời gian tới.

Tin, ảnh: VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/be-mac-hoi-nghi-quoc-hoi-va-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-558395