Bế mạc COP27: Bước ngoặt mới từ Liên hợp quốc ứng phó biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã bế mạc vào ngày 20/11.

Theo hãng AP, quyết định ngày 20/11 của Liên hợp quốc về việc thành lập quỹ giúp đỡ các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai được xem là một trong những quyết định quan trọng nhất ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Động thái này là sự xác nhận rõ ràng rằng các nước nghèo - với nguồn tài nguyên hạn chế - đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, nắng nóng và bão. Bởi những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, các quốc gia công nghiệp hóa phải có trách nhiệm giúp đỡ họ.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Trong khi Chính phủ các nước, các nhà bảo vệ môi trường và các nhà hoạt động ca ngợi kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ các nước nghèo bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu thì vẫn còn nhiều thách thức phía trước với kế hoạch này.

Vào những năm 1990, nhóm các quốc đảo nhỏ ven biển đã bắt đầu kêu gọi ứng phó với những tổn thất và thiệt hại về biến đổi khí hậu trên diện rộng. Kể từ đó, ý tưởng này luôn là một phần trong chương trình nghị sự hàng năm của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, chủ đề này thường được đề cập bên lề các cuộc đàm phán, điều mà các quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động đang mạnh mẽ cải thiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, tại COP27 năm nay, vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự và trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận.

Quỹ hỗ trợ các nước nghèo bị ảnh hưởng do thời tiết khắc nghiệt ban đầu sẽ dựa vào nguồn đóng góp từ các nước phát triển, từ các nguồn công và tư khác nhau chẳng hạn như các tổ chức tài chính quốc tế lớn. Văn bản cuối cùng liên quan đến "xác định và mở rộng nguồn tài trợ" gợi ý rằng các quốc gia gây ra tỷ lệ ô nhiễm cao nên tăng cường đóng góp thêm tiền vào quỹ ứng phó biến đổi khí hậu.

Xây dựng lại lòng tin

Thỏa thuận cho biết quỹ này sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là dễ tổn thương trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đồng thời thúc đẩy hỗ trợ đối với các quốc gia có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa khí hậu.

Pakistan, quốc gia bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng khiến 1/3 diện tích quốc gia bị ngập lụt trong nước hay Cuba, gần đây bị tàn phá bởi cơn bão Ian, có đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ quỹ lần này.

"Quỹ tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ phù hợp những cơ quan và tổ chức đang làm công việc nhân đạo giúp mọi người xây dựng lại, giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn cũng như giải quyết an ninh lương thực và nguồn nước", ông David Washkow, Giám đốc chương trình Khí hậu quốc tế thuộc Viện Tài nguyên thế giới cho biết.

Hiện tại, dù quyết định thành lập quỹ được xem là một bước tiến lớn nhưng quá trình triển khai sẽ phụ thuộc vào tốc độ thành lập quỹ. Trong phiên bế mạc ngày 20/11, bà Lia Nicholson từ Antigua cho biết "Quỹ ứng phó với tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu phải trở thành chiếc phao cứu sinh vào thời điểm chúng ta cần".

Khoảng cách về lòng tin đang bị ảnh hưởng bởi những lời hứa bị phá vỡ trong quá khứ. Vào năm 2009, những quốc gia giàu có đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp đỡ các nước đang phát triển chuyển đổi sang hệ thống năng lượng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay, sáng kiến đó chưa bao giờ được tài trợ đầy đủ.

Bên cạnh đó, một trong những lý do chính mà các quốc gia giàu có từ lâu tỏ ra dè dặt đối với việc thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại là bởi các lo ngại liên quan đến trách nhiệm pháp lý dài hạn. Bất chấp việc thông qua, mối quan tâm ngại này vẫn chưa được giải quyết. Bằng chứng là các nhà đàm phán đảm bảo ngôn ngữ của quỹ không đề cập đến "trách nhiệm pháp lý" và là các khoản đóng góp tự nguyện.

Bất chấp những cảnh báo như vậy, việc thành lập quỹ ứng phó thiên tai vẫn có thể gây ra những hệ lụy về mặt pháp lý liên quan đến khí hậu. Ví dụ như một số quốc đảo Thái Bình Dương đã thúc đẩy Tòa án Công lý quốc tế xem xét vấn đề biến đổi khí hậu. Họ nói rằng, pháp luật quốc tế phải được củng cố để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp những vùng đất bị nhấn chìm bởi nước biển dâng. Việc thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại có thể củng cố dựa trên những lập luận đó./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/be-mac-cop27-buoc-ngoat-moi-tu-lien-hop-quoc-ung-pho-bien-doi-khi-hau-20221121111604948.htm