Bế mạc ASIAD 2018: Kỳ đại hội thành công của thể thao Việt Nam

Tối 2-9, Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) 2018 đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạc hoành tráng trên sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Kỳ Á vận hội tiếp theo sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 2022.

Tối 2-9, Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) 2018 đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạc hoành tráng trên sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Kỳ Á vận hội tiếp theo sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 2022. Tại đại hội lần này, đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu thành công để vượt chỉ tiêu HCV đề ra; đặc biệt các môn điền kinh, bơi lội, bóng đá đã tạo nên những mốc son.

Dù không giành HCĐ nhưng Olympic Việt Nam vẫn được người hâm mộ chào đón nồng nhiệt tại lễ vinh danh ở Mỹ Đình. Ảnh: VNE

Dù không giành HCĐ nhưng Olympic Việt Nam vẫn được người hâm mộ chào đón nồng nhiệt tại lễ vinh danh ở Mỹ Đình. Ảnh: VNE

Trung Quốc bị hạ bệ ở môn bơi và cử tạ

Trong lần thứ hai đăng cai ASIAD, Indonesia đã nỗ lực tối đa từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường và cả công tác an ninh. Tổng chi phí của nước chủ nhà cho ASIAD 2018 lên tới hơn 2 tỷ USD.

Kỳ Á vận hội năm nay vượt qua tất cả các kỳ đại hội trước về số VĐV tranh tài, với hơn 11.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á, tranh 465 bộ huy chương của 40 môn thể thao. ASIAD 2018 cũng là lần đầu tiên nhiều môn thể thao như trượt ván, kurash, dù lượn, đánh bài được đưa vào thi đấu, dẫn đến sự đa dạng lứa tuổi của các vận động viên từ 9-81 tuổi.

Khép lại những ngày tranh tài sôi nổi, ASIAD lần này có tới 6 kỷ lục thế giới mới được thiết lập. Các cung thủ Hàn Quốc xác lập hai kỷ lục thế giới ở nội dung cung 3 dây 50m hỗn hợp và nội dung cung một dây 70m hỗn hợp. Hai kỷ lục thế giới môn bắn súng thuộc về nội dung bắn đĩa đơn nam (xạ thủ người Đài Loan-Trung Quốc) và bắn đĩa đồng đội hỗn hợp (xạ thủ Trung Quốc đại lục). Đô cử người Iran Sohrab Moradi lập kỷ lục thế giới khi cử giật đạt mức 189kg. "Kình ngư" Trung Quốc Lưu Sương lập kỷ lục thế giới nội dung 50m bơi ngửa với thành tích 26 giây 98. Bên cạnh các kỷ lục thế giới, hàng chục kỷ lục ASIAD cũng bị phá tại giải đấu năm nay, phần lớn đến từ những môn Olympic nhóm 1 như bơi lội, điền kinh và thể dục dụng cụ.

Đáng chú ý khi Nhật Bản đã soán ngôi Trung Quốc trên "đường đua xanh". Sau 4 kỳ Á vận hội chịu cảnh đứng sau Trung Quốc ở môn bơi, Nhật Bản đã giành lại vị thế số 1 tại Asiad 2018 với số lượng huy chương sít sao. Cụ thể, cùng có 19 HCV nhưng Nhật Bản giành thắng lợi nhờ hơn Trung Quốc 3 HCB.

ASIAD 2018 cũng là nơi tượng đài cử tạ Trung Quốc sụp đổ. Ở 9 kỳ Á vận hội gần nhất, Trung Quốc đều là đoàn mạnh nhất môn cử tạ. Năm nay, một đội đô cử hùng hậu của Trung Quốc vẫn đến Indonesia, song không được phép thi đấu vì dính dáng tới doping. Đoàn Triều Tiên đã tận dụng cơ hội này để giành tới 8 HCV môn cử tạ, thống trị sức mạnh của Á vận hội.

Tuy bị hạ bệ ở môn bơi và môn cử tạ, nhưng đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu ở môn điền kinh với 12 HCV, 12 HCB và 9 HCĐ. Và với lực lượng VĐV hùng hậu, đoàn Trung Quốc vẫn thống trị vị trí dẫn đầu. Cụ thể, Trung Quốc giành vị trí số 1 toàn đoàn với 132 HCV trong tổng số 289 huy chương. Đứng thứ hai là Nhật Bản 74 HCV. Hàn Quốc xếp thứ 3 với 49 HCV.

Đoàn thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu vàng

Với đoàn Thể thao Việt Nam, ASIAD 2018 là kỳ đại hội thành công khi đứng thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương, với 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ. Như vậy, Việt Nam đã vượt chỉ tiêu HCV đề ra trước đại hội - giành tối thiểu 3 HCV. Trước đó, tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 HCV.

Tại kỳ ASIAD này, thể thao Việt Nam đã ghi nhận nhiều mốc son lịch sử như tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ môn điền kinh; HCV Rowing nội dung thuyền 4 nữ chèo đôi hạng nhẹ; HCB nội dung 1.500m tự do môn bơi của Nguyễn Huy Hoàng; đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tốp 4 đội bóng hàng đầu của ASIAD. Đó đều là những lần đầu tiên ngọt ngào của Thể thao Việt Nam trong suốt lịch sử tham dự sân chơi lớn nhất của thể thao châu lục.

Thu Thảo rạng rỡ với tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam khẳng định vị thế

Sau vị trí Á quân giải U23 Châu Á, HLV Park Hang-seo và các học trò tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ tại ASIAD 18. Olympic Việt Nam không thể giành HCĐ khi thua UAE trên loạt sút luân lưu, song những gì mà họ thể hiện trong suốt giải đấu đã nhận được niềm tin yêu của người hâm mộ. Vào đến vòng 4 đội mạnh nhất Asiad cũng là kỳ tích của bóng đá Việt Nam.

Qua hai giải đấu tầm châu lục liên tiếp, thầy trò HLV Park Hang-seo đã khẳng định được đẳng cấp và vị thế trên đấu trường Châu Á cho bóng đá Việt Nam. Bởi thế, trong ngày trở về từ ASIAD, Olympic Việt Nam được chào đón nồng hậu trong vòng tay người hâm mộ.

Tối 2-9, lễ vinh danh đoàn thể thao Việt Nam đã diễn ra ở sân Mỹ Đình, Hà Nội. Tại đây, HLV Park Hang-seo chia se: "Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nhân dân Việt Nam, người hâm mộ Việt Nam đã dành sự quan tâm và tình yêu rất lớn cho chúng tôi. Chúng tôi đã mơ đến ngày đeo huy chương đồng về nước để làm vui lòng quý vị nhưng thật tiếc là thất bại. Chúng tôi hi vọng rằng thất bại này sẽ là động lực, bài học lớn để giúp chúng tôi thành công trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là AFF Cup sắp tới".

K.H (tổng hợp)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/84_194700_be-mac-asiad-2018-ky-dai-hoi-thanh-cong-cua-the-thao-viet-nam.aspx