Bé gái bị viêm cơ tim tối cấp nguy kịch bất ngờ đòi ăn bánh tráng trộn

Tưởng chừng không qua khỏi vì căn bệnh viêm cơ tim tối cấp, bé gái 10 tuổi bị loạn nhịp tim, tim đập đến trên 200 lần/phút, liên tục ngưng tim, suy gan, suy thận, mất chức năng tim, đờ tim... nhưng bất ngờ sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi đã hồi sinh một cách kỳ diệu và đòi ăn bánh tránh trộn, uống trà sữa.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi N.T.M.L.(10 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: BVCC

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi N.T.M.L.(10 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - Ảnh: BVCC

Sau 3 ngày nóng, sốt và đau nhức dù đã uống thuốc nhưng vẫn không khỏi, trưa 22.11, gia đình đã chuyển bé gái N.T.M.L. (10 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) đến Bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) để điều trị. Lúc này bé than mệt, mặt mày tái, hỏi han ít trả lời. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi liên tục rối loạn nhịp, hạ huyết áp và theo dõi tình trạng viêm cơ tim cấp đe dọa tính mạng. Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho hay khi đến bệnh viện bé gái này bị hạ huyết áp nặng, môi tái, lừ đừ. Bệnh nhi nhanh chóng được đưa đến Khoa Hồi Sức Tích Cực để thực hiện các biện pháp hỗ trợ để giúp tim lưu thông máu và đập tốt. “Chúng tôi phải làm việc nhanh chóng vì huyết áp của bệnh nhi ngày càng thấp, kiểu thở nặng nhọc, chuyện xảy ra với bệnh nhân suy tim nặng”, bác sĩ Định nói.

Tuy nhiên, lúc này đã hết giờ làm việc, nhiều bác sĩ đã về nhà, các bác sĩ khoa cấp cứu phải điện thoại để huy động những bác sĩ này quay trở lại tiếp sức, nhất là các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực, Ngoại Lồng ngực mạch máu ... Tích tắc các bác sĩ đã quay trở lại bệnh viện để tiến hành hội chẩn và phối hợp cứu bệnh nhi.

Ê kip Hồi sức tích cực (ICU) và tim mạch đã nhanh chóng đặt một đường truyền tĩnh mạch trung tâm, ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở máy cho bệnh nhi. Nhịp tim bệnh nhi lúc này đã lên trên 200 lần/ phút, các bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời và sốc điện. Dù vậy, tim của bệnh nhi vẫn đờ đẫn, loạn nhịp không cải thiện với thuốc vận mạch và thuốc chống loạn nhịp, sốc điện lẫn máy tạo nhịp.

Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh của bệnh nhi, lãnh đạo bệnh viện quyết định chỉ định kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). “Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục”, bác sĩ Định cho biết.

Sau khi sử dụng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), bệnh nhi đã vượt qua cơn nguy kịch - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Định cho biết thêm sau khi đặt xong 1 đầu kết nối ECMO, bệnh nhi giảm nhịp tim. Các bác sĩ bắt đầu xoa bóp tim ngoài lồng ngực, trong khi ê kíp ECMO và ngoại khoa đặt cannula động mạch kết nối ECMO.

Sau hơn 40 phút căng thẳng vừa nhồi tim vừa tiến hành đặt đường truyền kết nối máy ECMO, sinh hiệu bệnh nhi đã tạm ổn định. Sau khoảng 2 giờ phối hợp nhịp nhàng, tim của bệnh nhi đã đập lại và tình trạng huyết động cải thiện.

Sau đó, bệnh nhi lại rối loạn nhịp tim liên tục, các bác sĩ phải dùng nhiều loại thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch ổn định chức năng co bóp cơ tim. Cùng với sử dụng kỹ thuật ECMO để hỗ trợ tim phổi, bệnh nhi còn được lọc máu liên tục để xử lý tình trạng suy gan, suy thận trước đó.

Sau 6 ngày chạy ECMO, 4 ngày lọc máu, tình trạng viêm cơ tim bệnh nhi ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt, chức năng gan thận cải thiện ngoạn mục. Bệnh nhi được cai ECMO, cai máy thở, ngưng lọc máu, tập ăn uống đường miệng, tỉnh táo dần và vui vẻ trò chuyện.

“Sau 20 ngày điều trị, đến hôm nay (13.12) bệnh nhi đã hoàn toàn tỉnh táo, chức năng tim bình thường, ăn uống tốt. Bệnh nhi rất thích ôm gấu bông mẹ mua, luôn miệng đòi ăn bánh tráng trộn, trà sữa... nhõng nhẽo đáng yêu mỗi khi cha mẹ vào thăm và cực kỳ vui vẻ khi tiếp xúc với các cô chú trực tiếp khám và chăm sóc cho em. Hiện thể trạng của bệnh nhi đang khá dần lên, nếu không có gì thay đổi, khoảng 7 ngày nữa có thể xuất viện”, bác sĩ Định chia sẻ.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/be-gai-bi-viem-co-tim-toi-cap-nguy-kich-bat-ngo-doi-an-banh-trang-tron-127568.html