'Bệ đỡ' cho em cất cánh bay cao

Đó là tâm sự của Trung úy Tống Xuân Diệu, phi công kiêm dẫn đường, Phi đội 3, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) khi kể về người thầy đầu tiên và cũng là người anh trai của mình-Thiếu tá Tống Quang Duy, giảng viên, Bộ môn Dẫn đường-Ứng dụng chiến đấu, Khoa Chỉ huy tham mưu, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ).

Nơi miền biển Tiền Hải, Thái Bình là quê hương của anh em Xuân Diệu-Quang Duy. Cái mặn mòi của biển khơi kéo theo sự vất vả đã bám lấy tuổi thơ của những người con sinh ra bên bờ sóng. Nhưng chính sự nhọc nhằn ấy là động lực để hai anh em cùng phấn đấu vươn lên. Quang Duy là anh cả luôn cố gắng làm gương để em học tập. Duy tận dụng mọi thời gian để học. Không có tiền mua sách nâng cao, tranh thủ những buổi chiều ngày nghỉ, Duy đi bắt cua ốc ngoài biển bán lấy tiền rồi đạp xe mấy chục cây số lên thị xã để mua sách về học thêm. Miệt mài học tập, năm 2004, Tống Quang Duy thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng học xa nhà, điều kiện gia đình khó khăn, thương bố mẹ vất vả làm lụng gửi tiền theo học, Duy đã đưa ra quyết định rất khó khăn là xin nghỉ học và ôn thi vào một trường trong quân đội. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Duy thi đỗ vào Học viện PK-KQ. Tốt nghiệp, anh là một trong 8 học viên xuất sắc của khóa, được điều động về công tác tại Trường SQKQ.

 Tống Quang Duy (bên trái) chúc mừng em trai Tống Xuân Diệu sau chuyến bay đơn thành công trên máy bay Yak-52, năm 2015.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tống Quang Duy (bên trái) chúc mừng em trai Tống Xuân Diệu sau chuyến bay đơn thành công trên máy bay Yak-52, năm 2015.Ảnh do nhân vật cung cấp.

Mong muốn của Quang Duy là em trai sẽ tiếp bước theo mình, nhưng kỳ vọng của anh không như mong muốn. Đang học lớp 11, vì ham chơi, lại nghe theo bạn bè, Tống Xuân Diệu bỏ học đi làm xa nhà. Biết tin, Duy rất buồn vì em trai bỏ dở học hành. Nghỉ phép về gặp em, Duy không trách mắng mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Diệu vẫn nhớ như in lời anh trai động viên: “Sau mấy năm đi làm, em đã nếm trải những vất vả của cuộc sống mưu sinh. Đó cũng là những bài học hữu ích. Giờ anh đã ra trường, có thể thay bố mẹ lo cho em ăn học. Thế nên thương bố mẹ, muốn bố mẹ vui thì em hãy học thật tốt để sau này trưởng thành!”. Nghe lời anh, Diệu đi học lại. Vì nghỉ học mấy năm nên Diệu gặp nhiều khó khăn trong học tập. Biết điều đó, mỗi khi về phép hay ở đơn vị qua điện thoại, Duy chỉ bảo em học thêm. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, noi gương anh, Diệu quyết định thi vào trường sĩ quan. Để tiếp thêm động lực, Duy đã dành dụm phép của cả năm để xin về cùng em ôn luyện. Diệu nhớ lại: “Những ngày ôn thi đại học cũng là những ngày lo toan của cả hai anh em. Dẫu vất vả sớm khuya nhưng anh chưa bao giờ kêu mệt mà luôn mỉm cười, động viên ân cần: “Cố lên em trai, anh tin em sẽ làm được!”. Sau bao nỗ lực, Diệu đã thi đỗ vào Trường SQKQ. Năm 2012, Diệu gặp lại anh mình nhưng không phải ở gia đình mà trên giảng đường đại học. Vẫn giọng nói ấy, vẫn con người ấy nhưng giờ cả hai đã trở thành đồng đội, thầy trò. Quang Duy miệt mài giảng dạy, rèn cặp, theo dõi từng bước trưởng thành của em cho đến ngày Xuân Diệu bay đơn thành công trên máy bay Yak-52.

Nhận bó hoa chúc mừng giữa sân bay đầy nắng gió, Xuân Diệu hiểu rằng đó là nỗ lực, thành công của cả hai anh em. Niềm vui ấy là nguồn động viên bố mẹ nơi quê nhà. Tiếp tục được đào tạo trên máy bay An-26, Tống Xuân Diệu ngày một trưởng thành, anh về nhận công tác tại Lữ đoàn 918. Hai anh em tạm chia tay nhau. Dù ở phương trời xa cách, Xuân Diệu vẫn luôn khắc ghi tình cảm, tri ân người anh, người đồng chí, người thầy đáng kính của mình.

ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/be-do-cho-em-cat-canh-bay-cao-646030