Bê bối Yeah1, YouTube có vô can?

Hưởng lợi từ chính sự giám sát lỏng lẻo để phát triển người dùng, YouTube không thể vô can khi loạt sự cố xảy ra.

Đã 2 tuần trôi qua kể từ ngày YouTube ra thông báo ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả công ty con của Yeah1 có hoạt động liên quan đến Google Adsense như Yeah1 Network (Y1N), ScaleLab và SpringMe sau ngày 31/3.

Trong thông báo mới nhất được lãnh đạo Yeah1 phát đi liên quan tới sự cố với YouTube, Yeah1 cho biết kết quả làm việc chính thức với YouTube sẽ được cập nhật chậm nhất vào ngày 11/3. Thế nhưng đến nay (20/3) những thông tin mà công chúng biết được dừng ở thông báo ngắn gọn của YouTube và những màn trượt dài của giá cổ phiếu Yeah1.

Chỉ chấm dứt thỏa thuận là xong?

Ngay ngày 3/3 khi Yeah1 công bố việc YouTube ngừng thỏa thuận lưu trữ với công ty này, Zing.vn đã liên hệ với YouTube để tìm hiểu thêm chi tiết.

Trong tuyên bố gửi cho Zing.vn, YouTube khẳng định: "Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số mạng lưới đa kênh cùng với các công ty con của họ. Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi. Chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube”.

Như vậy, từ thông báo của Yeah1 và lời khẳng định của YouTube với Zing.vn, nguyên nhân YouTube chấm dứt thỏa thuận với Yeah1 bao gồm: hoạt động tuyển lựa kênh không phù hợp và hành vi vi phạm lặp đi lặp lại.

Zing.vn tiếp tục đặt câu hỏi đối với phía YouTube về trách nhiệm của nền tảng video này đối với các vấn đề sau:

Thứ nhất, nguyên do chấm dứt thỏa thuận được công bố là do hoạt động tuyển lựa kênh không hợp lý. Trách nhiệm của YouTube khi để xuất hiện những “kênh không hợp lý” trên nền tảng của mình thế nào?

YouTube chịu trách nhiệm về nội dung độc hại và không phù hợp được lưu trữ trên nền tảng của mình. Ít nhất, YouTube phải chịu trách nhiệm về thuật toán phát điều hướng người dùng đến những video có nội dung không lành mạnh.

Chuyên gia về phát hiện và ngăn ngừa thông tin sai lệch trên web Michael Sirivianos

Thứ hai, theo tuyên bố, Yeah1 vi phạm lặp đi lặp lại. Trước khi chính thức tuyên bố chấm dứt thỏa thuận, YouTube có đưa ra cảnh báo với Yeah1 mấy lần?

YouTube vẫn chưa phản hồi email của Zing.vn.

“Nói chung, YouTube chịu trách nhiệm về nội dung độc hại và không phù hợp được lưu trữ trên nền tảng của mình. Ít nhất YouTube cũng phải chịu trách nhiệm về việc thuật toán tự động phát điều hướng người dùng đến những video có nội dung không lành mạnh. Việc vận hành các thuật toán là trách nhiệm của chính YouTube.” - Michael Sirivianos, chuyên gia về phát hiện và ngăn chặn thông tin sai lệch trên web, nói với Zing.vn.

Trách nhiệm của YouTube khi để xuất hiện những “kênh không hợp lý” trên nền tảng của mình thế nào?

Trách nhiệm của YouTube khi để xuất hiện những “kênh không hợp lý” trên nền tảng của mình thế nào?

Hai kịch bản với YouTube

Liên hệ với Yeah1 để tìm hiểu thêm về vụ việc, phóng viên của Zing.vn nhận được câu trả lời công ty vẫn đang trong quá trình đàm phán với YouTube.

Hai kịch bản đặt ra với YouTube lúc này: Nếu cứng rắn "y án chấm dứt" với Yeah1, đây sẽ là minh chứng cho quyết tâm làm sạch nền tảng của YouTube. Nếu vẫn chọn làm ngơ để có doanh thu, YouTube có thể đi theo con đường khủng hoảng của Facebook trong năm 2018.

Từ cuối năm 2017 đến nay, YouTube liên tiếp bị chỉ trích khi để nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trước và trong các video clip có nội dung không phù hợp, chẳng hạn như những cảnh bé gái chỉ mặc chiếc quần nhỏ, đang vệ sinh cá nhân hoặc nằm ngủ. Bên dưới video là nhiều lời bình luận thô tục từ những kẻ bị cho là mang tư tưởng ấu dâm.

Quảng cáo của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới Deutsche Bank hiển thị trong clip có nội dung không phù hợp.

Tại Việt Nam, một số kênh video có nội dung liên quan đến trẻ em cũng hiện quảng cáo của nhãn hàng như Abbott, Thế giới Di động, Samsung hay Vivo và bên dưới chứa những bình luận thô tục, có thiên hướng ấu dâm. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những chủ kênh kiếm tiền bằng video độc hại, vi phạm bản quyền hoặc thậm chí phát tán tin tức giả mạo chưa bị xử lý.

Một loạt nhãn hàng đã tẩy chay YouTube để bảo vệ an toàn thương hiệu của họ. Và chỉ đến lúc đó, YouTube mới thấy sức ép để hành động.

YouTube từ chối cung cấp thông tin về doanh thu quảng cáo ở thị trường Việt Nam nhưng rõ ràng quảng cáo trên YouTube đang là một trong những kênh marketing kỹ thuật số rất thịnh hành hiện nay.

YouTube thu lợi từ quảng cáo nghĩa là phải có trách nhiệm kiểm soát được tất cả thông tin đưa lên nhằm tạo ra được một môi trường mạng 'trong sạch'.

Luật sư Phan Vũ Tuấn

Bình luận thêm về trách nhiệm của YouTube trong việc đảm bảo nội dung "sạch" xuất hiện trên nền tảng của mình, luật sư Phan Vũ Tuấn, trưởng văn phòng luật Phan Law (TP.HCM) chia sẻ: "YouTube thu lợi từ quảng cáo nghĩa là phải có trách nhiệm kiểm soát được tất cả thông tin đưa lên nhằm tạo ra được một môi trường mạng 'trong sạch'. Những lý do như quy mô quá lớn để có thể kiểm soát tất cả thông tin là sự chống chế, chối bỏ trách nhiệm".

Né tránh truyền thông: "Văn hóa" của tập đoàn công nghệ?

Rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm của YouTube trong sự cố network giữa Yeah1 với YouTube lần này. Thế nhưng cho đến nay, YouTube chưa hề đưa ra thêm một thông báo nào chi tiết những gì nền tảng video khổng lồ này cung cấp chỉ là những tuyên bố chung chung, không đưa lý do cụ thể, cũng không thừa nhận hay phủ nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Dường như né tránh truyền thông là văn hóa của các công ty truyền thông.

Nhà báo kinh tế Steven Pearlstein của Washington Post nhận định: “Trong tất cả công ty thuộc mọi lĩnh vực tôi phỏng vấn, các công ty công nghệ là tồi tệ nhất. Họ hầu như không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. Một số còn có chính sách từ chối báo giới. Trong thời điểm công chúng cần nghe phản hồi từ các công ty công nghệ nhất thì họ lại tảng lờ.”

Trong tất cả công ty thuộc mọi lĩnh vực tôi phỏng vấn, các công ty công nghệ là tồi tệ nhất. Họ hầu như không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

Nhà báo kinh tế Steven Pearlstein từ Washington Post

Sự việc YouTube và Google chậm trễ trong việc phản hồi công chúng tương tự như vụ việc Facebook “mắc lỗi kỹ thuật” hiển thị chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc tại bản đồ quản lý quảng cáo và mật độ livestream hồi tháng 7/2018.

Sau khi phát hiện sai sót, Zing.vn liên hệ với đại diện Facebook, ông Javier Olivan nhưng ông Olivan chỉ trả lời ngắn gọn rồi chuyển trách nhiệm sang cho bà Debbie Frost, Giám đốc truyền thông. Tuy nhiên, bà Debbie Frost né tránh không trả lời một số câu hỏi của Zing.vn.

Trách nhiệm của YouTube đến đâu?

Về lý thuyết, mối quan hệ giữa network, YouTube và người sáng tạo được xem là cộng sinh, các bên cùng có lợi. Thế nhưng với vai trò là chủ nền tảng, YouTube hiển nhiên là bên “nắm đằng chuôi”.

Có hàng nghìn network ở trên YouTube và dựa vào mạng xã hội video này để kinh doanh, kiếm lời. Ở chiều ngược lại, với các network, Yeah1 là một trong số đó, YouTube gần như là lựa chọn duy nhất.

Theo New York Times: "Với khối lượng nội dung khổng lồ, YouTube quản lý không xuể nên phải nhờ cậy đến nguồn lực của network trong khâu kiểm duyệt. Quan hệ kiềng ba chân phân chia doanh thu quảng cáo giữa YouTube, người dùng và network, trong nhiều trường hợp YouTube trực tiếp tài trợ cho người tạo ra những nội dung kích động hận thù, gây nghiện ma túy hoặc khủng bố".

Ủy thác cho network kiểm duyệt, không ít video có nội dung không phù hợp qua mặt và tồn tại ngang nhiên trên YouTube, thu hút người xem, và qua đó cũng đóng góp doanh số của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới này.

Đầu năm 2019, hàng loạt những video thuộc thể loại "Single mom" - phụ nữ làm việc nhà trong trang phục hớ hênh hay những video hướng dẫn trẻ em tự sát, núp bóng network, tràn lan trên YouTube. Những video này dù đã được YouTube gỡ bỏ, nhưng chúng đã tồn tại trên nền tảng mất vài tháng, có khi là vài năm.

Ví dụ khác là kênh "Văn Nhật" thuộc network Yeah1. Hầu hết video của kênh này có nhân vật là trẻ em uống rượu, ghi lô đề và thực hiện một số thử thách nguy hiểm. Những video này, theo chuẩn của YouTube không được tồn tại, thế nhưng, hơn 2 năm qua mỗi tháng kênh này có gần 3 triệu lượt xem.

Mô hình Network kiểu Yeah1, theo một nghiên cứu của Đại học Indiana (Mỹ) năm 2016, tồn tại "mặt trái" mà một trong các điểm yếu cốt tử "sống dựa" YouTube.

Michelle Phan - ngôi sao trên YouTube nhưng không hề thích mô hình của network.

Khảo sát trên các YouTuber đều cho thấy việc tạo dựng một mô hình làm ăn kiếm lời dựa trên YouTube là rất khó, bởi sau tất cả, nền tảng video này gặm nhấm phần lớn doanh thu lẫn người xem (cũng sẽ là khách hàng mà bạn cố công kéo về nền tảng này). YouTube cố gắng cò kéo người xem dính chặt vào nền tảng và ngày càng phát tài, trong khi doanh thu của doanh nghiệp sống dựa vào YouTube chưa chắc tăng theo.

Với những người từng coi YouTube như “cần câu cơm”, YouTube là nơi tốt để tìm kiếm khách hàng, nhưng chỉ là công cụ để dẫn dụ, thay vì phát triển hoàn toàn trên đó. Các YouTuber hay doanh nghiệp hãy cố gắng "điều hướng" khách hàng hoặc khán giả của mình sang một nền tảng khác, chẳng hạn website riêng, để có lợi nhuận hơn.

Hưởng lợi từ chính sự giám sát lỏng lẻo để phát triển người dùng, YouTube, do đó không thể vô can khi loạt sự cố xảy ra. Việc chấm dứt hợp tác với các network kiểu Yeah1 chỉ là bước khởi đầu để "tự dọn dẹp mình" sau các bê bối kéo dài thời gian qua.

Bình Minh - Tuấn Lã - Việt Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/be-boi-yeah1-youtube-co-vo-can-post926298.html