Bê bối tuyển sinh đại học gây chấn động nước Mỹ

Là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục, nhưng Mỹ cũng chứng kiến những vụ gian lận thi cử gây chấn động dư luận. Mới đây, trong khuôn khổ chiến dịch Varsity Blues, cảnh sát Mỹ đã triệt phá đường dây gian lận đầu vào tại các trường đại học danh tiếng, như: Harvard, Yale hay Stanford. Đây là vụ bê bối được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay từng bị truy tố ở Mỹ.

Những mánh khóe gian lận

Theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), nâng điểm, làm giả bài thi, chứng từ, hồ sơ thí sinh là một trong những mánh khóe được áp dụng trong đường dây gian lận tuyển sinh giúp con cái giới giàu có, nổi tiếng ở Mỹ vào những trường đại học danh giá.

Nghi can hàng đầu trong đường dây gian lận này là William “Rick” Singer, 58 tuổi, lãnh đạo Công ty Tư vấn và Dự bị đại học Edge College & Career Network ở California. Người này đã nhận các tội liên quan đến vai trò điều hành đường dây gian lận thi cử với mức phí từ 100.000USD đến 2,5 triệu USD cho mỗi suất trúng tuyển. Các khoản thanh toán được che đậy dưới hình thức quyên góp từ thiện. “Chúng tôi giúp những gia đình giàu có nhất ở Mỹ chạy suất học cho con vào các trường danh tiếng. Người năng lực có thể tự đi vào bằng “cửa trước”. Còn “cửa sau” dành cho ai có điều kiện với giá gấp 10 lần và tôi đã mở ra cánh cửa này”, nghi can trên khai nhận.

 "Ông trùm" đường dây gian lận thi cử William “Rick” Singer. Ảnh: Bloomberg.

"Ông trùm" đường dây gian lận thi cử William “Rick” Singer. Ảnh: Bloomberg.

Phía công tố cho biết, đường dây này hoạt động từ năm 2011 và bê bối chạy suất liên quan tới 200 trường đại học trên toàn nước Mỹ. Theo đó, đường dây của Singer hướng dẫn phụ huynh các mánh khóe như làm giả giấy chứng nhận y tế bị khuyết tật khi đứa trẻ tham gia kỳ thi chuẩn hóa xét tuyển vào đại học ở Mỹ gồm SAT hoặc ACT. FBI cho biết, các bậc cha mẹ cũng có thể lấy nhiều lý do để con của họ được thi tuyển tại những cơ sở mà giám thị đã bị mua chuộc. Phụ huynh cũng có thể trả từ 15.000USD đến 75.000USD cho công ty của Singer để tìm người thi hộ, chỉ đáp án hoặc sửa câu trả lời khi chấm thi. Ngoài ra, nhiều thí sinh còn được đặc tuyển với tư cách vận động viên có thành tích nổi bật dù không đủ năng lực. Chẳng hạn, một huấn luyện viên bóng đá nữ tại Đại học Yale được “lót tay” 400.000USD để nhận một sinh viên mà người này thậm chí còn không chơi môn thể thao nói trên.

Đến nay, nhà chức trách đã xác nhận 50 nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí và kinh doanh của Mỹ bị cáo buộc dính líu đến vụ bê bối tuyển sinh vào các trường đại học nổi tiếng của nước này. Trong số đó có nữ diễn viên nổi tiếng người Mỹ Lori Loughlin, 54 tuổi. Theo tòa án, diễn viên Loughlin cùng chồng đã đồng ý trả 500.000USD để giúp hai con gái họ có cơ hội được nhận vào Đại học Southern California.

Hiện công tác điều tra về đường dây chạy suất này vẫn đang được tiến hành. Tòa dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 19-6 tới. Nếu bị kết tội, “ông trùm” đường dây gian lận thi cử William “Rick” Singer sẽ đối mặt 65 năm tù và án phạt hơn 1 triệu USD với các tội danh khác, gồm: Lừa đảo, rửa tiền và cản trở công lý.

Phần nổi trong tảng băng chìm

Vụ bê bối trên bị lật tẩy trong bối cảnh các bậc phụ huynh ở Mỹ lo ngại về tình trạng cạnh tranh căng thẳng để có được một suất vào đại học, cũng như bức xúc về các đặc quyền dành cho giới nhà giàu ở nước này. Bê bối này cũng tác động khá lớn tới tâm lý của giáo viên và học sinh, những người đang ngày ngày giảng dạy và học tập nghiêm túc. Connor Finn, một học sinh đang đợi phản hồi từ các trường đại học mà mình nộp đơn cũng cảm thấy khá bức xúc: “Em đã phải học rất nỗ lực để giành được điểm A cho các môn, thế mà có những người bỏ ra hàng nghìn USD để có được kết quả mà người khác phải rất nỗ lực mới có mà chẳng phải cố gắng”.

Trong một bài viết đăng trên tờ New York Times, tác giả Rainesford Stauffer tiết lộ, vụ bê bối chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm vì từ lâu, việc tuyển sinh đại học dường như đã trở thành một ngành công nghiệp hợp pháp tại Mỹ. Theo ông Rainesford Stauffer, rất nhiều gia đình giàu có tại Mỹ sẵn sàng “phá luật” để giúp con em mình lọt vào các trường đại học thuộc tốp đầu thông qua diện “học bổng” dành cho các vận động viên dù con họ chưa từng chơi một môn thể thao nào thời trung học. Điều đáng phẫn nộ, theo Stauffer, đó là việc chạy điểm dường như đã trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, “hợp pháp” và diễn ra ngang nhiên vào mỗi mùa tuyển sinh tại Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, điểm số là thứ có thể mua được, trong khi sự sáng tạo và đam mê thì không.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/be-boi-tuyen-sinh-dai-hoc-gay-chan-dong-nuoc-my-568739