Bê bối phần mềm gián điệp ở châu Âu

Nghị viện châu Âu vừa có báo cáo sơ bộ khẳng định đã phát hiện nhiều quốc gia sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus để theo dõi các chính trị gia, nhà báo, nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến.

Theo Đài truyền hình Đức Deutsche Welle, phần mềm gián điệp Pegasus của Tập đoàn NSO Group (Israel), có thể xâm nhập vào điện thoại di động để trích xuất dữ liệu và kích hoạt camera hoặc micro nhằm theo dõi chủ nhân.

"Tập đoàn NSO của Israel đã bán phần mềm gián điệp Pegasus cho nhiều chính phủ trên thế giới và ở 14 quốc gia châu Âu" - đài truyền hình Deutsche Welle dẫn báo cáo từ Nghi viện châu Âu khẳng định.

Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hy Lạp đều bị cáo buộc trong 18 tháng qua đã sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus hoặc các công nghệ tương tự để chống lại công dân hoặc chính trị gia.

Mặc dù không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều bị nghi ngờ nhưng Nghị viện châu Âu nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể nhận định rằng các quốc gia thành viên châu Âu đã mua một hoặc nhiều sản phẩm phần mềm gián điệp thương mại".

Quần đảo Cyprus và Bulgaria cũng có thể đóng vai trò là trung tâm xuất khẩu phần mềm Pegasus - báo cáo của Nghị viện châu Âu lưu ý.

Phần mềm gián điệp Pegasus của Tập đoàn NSO (Israel) được phát hiện tại nhiều quốc gia châu Âu. Ảnh: Deutsche Welle

Phần mềm gián điệp Pegasus của Tập đoàn NSO (Israel) được phát hiện tại nhiều quốc gia châu Âu. Ảnh: Deutsche Welle

"Bê bối phần mềm gián điệp không phải các trường hợp lạm dụng quốc gia riêng lẻ mà là một vấn đề toàn châu Âu" - báo cáo nêu rõ và ví đây như vụ 'Watergate' của châu Âu, tức ám chỉ vụ bê bối chính trị của Mỹ thập niên 1970.

Thực tế, những tiết lộ ở châu Âu không dẫn đến sự sụp đổ của bất kỳ nhà lãnh đạo châu Âu nào, mặc dù một số quốc gia đã mở các cuộc điều tra tư pháp về việc sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, họ đã gặp khó khi xử lý vấn đề sử dụng Pegasus.

Chính phủ Tây Ban Nha phải sa thải giám đốc cơ quan tình báo hàng đầu của họ vào tháng 5, trong khi người đứng đầu cơ quan tình báo Hy Lạp cũng phải từ chức.

Trong bối cảnh đó, thủ tướng Hy Lạp mới đây cũng đã công bố kế hoạch cấm bán công nghệ phần mềm gián điệp.

Dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ hoàn thành cuộc điều tra việc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus này vào tháng 3-2023.

Bằng Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-nghe/be-boi-phan-mem-gian-diep-o-chau-au-20221111152832207.htm