Bê bối Khải Silk: Niềm tin đã mất

Doanh nghiệp không trung thực, khách hàng biết đặt niềm tin vào đâu?

Vài ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước vụ bê bối của thương hiệu nổi tiếng mang tên Khải Silk. Khải Silk đã gian dối khách hàng trong suốt 30 năm qua bằng việc nhập bán khăn xuất xứ Trung Quốc lẫn với khăn gắn mác “Made in Vietnam”.

Doanh nhân Hoàng Khải.

Doanh nhân Hoàng Khải.

Đây không phải lần đầu tiên khách hàng chứng kiến sự lừa dối, thiếu trung thực, và đánh mất chữ tín trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn nhớ khoảng hơn 2 năm trước, vụ việc của hãng ô tô hàng đầu thế giới Volkswagen đã khiến danh tiếng và lợi nhuận của hãng này sụt giảm khủng khiếp. Mỹ và nhiều quốc gia khác đã phát hiện tổng cộng 11 triệu xe ô tô chạy bằng động cơ diesel có cài đặt phần mềm báo sai lượng khí thải để qua mắt các cơ quan giám sát, trong khi lượng khí thải mà mỗi xe xả ra môi trường cao gấp 40 lần so với mức quy định.

Áp lực đè nặng, vị Tổng Giám đốc (CEO) khi đó của hãng, ông Martin Winterkorn, đã phải từ bỏ ghế lãnh đạo sau 8 năm tại chức. Là người đã đưa thương hiệu Volkswagen lên ngôi vị dẫn đầu trong ngành sản xuất ô tô thế giới, sau cũ ngã ngựa nhớ đời, chắc chắn Winterkorn sẽ rút ra bài học xương máu về sự trung thực trong kinh doanh.

Bê bối như một "xô nước lạnh" hất vào mặt cựu CEO của Volkswagen Martin Winterkorn.

Thời điểm ấy, ai cũng lắc đầu ngao ngán và tiếc nuối cho một ngôi sao mới sắp vượt mặt Toyota để trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới xét về doanh số trong ngành công nghiệp xe hơi.

Cú sốc đối với Volkswagen đồng nghĩa với việc họ đã cướp đi niềm tin của hàng triệu người dùng trên thế giới. Một năm sau khi bê bối Volkswagen bị phanh phui, lòng tin của khách hàng tiếp tục suy giảm tới mức thấp kỷ lục, trong khi giới truyền thông và các chuyên gia liên tục đưa ra những nhận định tiêu cực cái tên một thời “làm mưa làm gió” thị trường xe hơi.

Sau Volkswagen, mới đây nhất, vụ bê bối của Tập đoàn thép lớn thứ 3 của Nhật Bản Kobe Steel cũng khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng điêu đứng. Hãng thép này vừa khai nhận đã làm giả dữ liệu về độ cứng và độ bền của một vài sản phẩm nhôm, đồng dùng để sản xuất ô tô, máy bay, tên lửa...

Vụ việc kéo theo hành động quay lưng của một loạt các khách hàng thân thiết với hãng, họ chuyển sang đặt hàng từ những hãng đối thủ.

“Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, việc doanh nghiệp không giữ gìn sự trung thực trong kinh doanh sẽ phải đối mặt với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, một trong số đó là đánh mất sự tin tưởng của khách hàng. Đó chính là bài học nhãn tiền từ hai cái tên lớn Volkswagen và Kobe Steel. Thế nhưng, không may thay, Khải Silk lại sa chân vào con đường đó.

Hậu quả như thế nào, chắc chắn doanh nhân Hoàng Khải sẽ là người cảm nhận rõ nhất. Trong kinh doanh, việc làm thế nào để tạo ra lợi nhuận và duy trì đà tăng trưởng, đó là phong độ. Nhưng quan trọng hơn, khi người ta giữ được chữ tín và đạo đức trong kinh doanh, ấy mới là đẳng cấp.

Kết bài, tôi muốn gửi tới anh Hoàng Khải và những người làm kinh doanh một đoạn lời trong bài hát “Nói dối” của Phương My, một bài hát vốn bị nhận nhiều “gạch đá” vì khán giả cho là nhảm nhí, nhưng với tôi lại rất đúng trong trường hợp này: “Một lần nói dối, vạn lần mất tin. Đừng nên nói dối bị người ta khinh, hãy nên thật thà đừng nên nói dối. Có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả?”.

D.T

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/be-boi-khai-silk-niem-tin-da-mat-a344149.html