Bê bối Đại học Đông Đô và lời ngụy biện hài hước của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Không cần thi tuyển, không cần học thực tế, chỉ cần nộp cho trường số tiền khoảng 30 – 40 triệu đồng là được cấp văn bằng 2 hệ Đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh chỉ sau 3-6 tháng, thậm chí chỉ sau 2 ngày chờ đợi. Điều kỳ quái nói trên vừa bị phanh phui tại Đại học (ĐH) Đông Đô (Hà Nội).

Vụ việc đang gây chấn động dư luận vì trong tháng 8/2019, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, truy nã đối với một số lãnh đạo, cán bộ trường ĐH Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.

Điều đáng nói là trong khi dư luận hết sức lên án hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, bởi hệ quả của nó là nhiều người dù không đi học nhưng vẫn được lấy bằng nhằm “hợp thức hóa” hồ sơ cá nhân, cạnh tranh cơ hội thăng tiến của những người học thật, thi thật…, thì sự ngụy biện, né tránh trách nhiệm của Bộ GD&ĐT càng làm lộ rõ những sai phạm của cơ quan này trong công tác quản lý đào tạo.

Điều nực cười đầu tiên là trong khi suốt 3 năm liền (từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019), một trường ĐH ở giữa Thủ đô ngang nhiên thông báo tuyển sinh văn bằng 2 rầm rộ dù chưa được cấp phép, thực tế đã đào tạo "chui" đến 2.000 học viên, trao bằng "khống" cho khoảng 400 học viên (trong đó có cả vợ Hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa) không cần tuyển sinh, thi cử. Vậy mà cơ quan chủ quản là bộ GD&ĐT lại trả lời báo chí rằng: “Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2…”.

Thế nhưng, những tài liệu mà PV báo Người Đưa Tin có được đã quay lưng lại với lời ngụy biện này.

Năm 2017, theo Thông báo số 136 ngày 7/3/2017, do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (bộ GD&ĐT) ký, đã xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của trường ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Nơi nhận của các thông báo này là trường ĐH Đông Đô, Bộ trưởng bộ GD&ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra bộ GD&ĐT.

Vào các năm 2015, 2016, trong Thông báo số 173 ngày 1/4/2015 và Thông báo số 68 ngày 24/2/2016 đều do Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Áng ký, cơ quan này cũng xác nhận về việc đăng ký 500 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 và 150 chỉ tiêu năm 2016 đối với hệ văn bằng 2 chính quy của ĐH Đông Đô.

Những thông báo này có dấu đỏ đàng hoàng, không biết bộ GD&ĐT giải thích thế nào?!

Ngoài ra, vẫn theo thông tin PV Người Đưa Tin nắm được, trong quá trình xảy ra sai phạm tại trường đại học Đông Đô, bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra và đã phát hiện thấy sai phạm nhưng không xử lý.

Cụ thể, ngày 12/10/2018, một đoàn kiểm tra của Bộ gồm 5 thành viên đến từ vụ Tổ chức cán bộ, cục Cơ sở vật chất, vụ Kế hoạch – Tài chính, vụ Giáo dục Đại học đã đến làm việc tại ĐH Đông Đô. Đoàn này xác định số lượng đào tạo đại học văn bằng 2 chính quy ở ĐH Đông Đô là 323 sinh viên.

Nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đợt kiểm tra, đoàn cán bộ trên không hề có động thái để dừng sai phạm này và thông báo tới cơ quan công an.

Một điều hài hước khác, chín bộ GD&ĐT cấp phôi bằng cho ĐH Đông Đô để trường này cấp bằng sai quy định nhưng lại nói rằng mình không quản lý việc in bằng (?!).

Cụ thể, theo quy định trước đó, Bộ GD&ĐT cho các trường được tự chủ in phôi bằng. Thế nhưng Văn phòng Bộ vẫn cung cấp phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô vì "một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ". "Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác", văn bản của bộ GD&ĐT khẳng định.

Cứ cho là lời giải thích này là hợp lý, thì dư luận vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao bộ chủ quản lại “ưu ái” ĐH Đông Đô đến mức họ đặt bao nhiêu phôi bằng thì cấp bấy nhiêu. Hàng năm nhà trường đều phải có báo cáo tới cơ quan quản lý về số lượng và loại hình sinh viên đào tạo, lẽ nào không ai phát hiện số lượng phôi bằng đặt in thực tế lớn hơn số lượng đào tạo được báo cáo?

Trong khi đó, trường ĐH Đông Đô vốn đã từng để xảy ra nhiều sai phạm, thiết nghĩ trường này đáng lẽ phải bị cơ quan chủ quản quản lý sát sao hơn những trường khác mới phải.

Trước đó, mùa tuyển sinh đại học 2001, lãnh đạo trường ĐH Đông Đô đã làm trái nguyên tắc, gọi hơn 4.000 thí sinh nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được bộ GD&ĐT giao là 1.600 học sinh (vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu).

Để có đủ số thí sinh đầu vào này, ĐH Đông Đô đã thực hiện nâng điểm thi cho nhiều thí sinh. Qua thanh tra, chấm lại bài thi, bộ GD&ĐT đã yêu cầu hơn 1.600 sinh viên phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng, trên 70 người khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.

Kết quả, nhiều học sinh và phụ huynh phẫn nộ, gửi đơn kiện, Hiệu trưởng và hai lãnh đạo khác của trường này phải hầu tòa. Trường ĐH Đông Đô bị dừng tuyển sinh 1 năm.

Một vụ bê bối lớn gây chấn động dư luận như vậy, lẽ nào bộ GD&ĐT đã quên hay sao mà giờ đây lại thiếu sát sao với ngôi trường này đến vậy?

Cuối cùng, một giải thích không thể nào ngớ ngẩn, hài hước hơn cũng đã được bộ GD&ĐT phát ngôn ra.

Trước câu hỏi: Tại sao trong suốt thời gian đó Thanh tra bộ GD&ĐT đã ở đâu mà để cho hàng nghìn tấm bằng vô giá trị vẫn được cấp tới tay “người học”, bộ GD&ĐT giải thích thế này: “Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của trường đại học Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018). Tuy nhiên, trường đại học Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong”.

Điều này có nghĩa là trước mỗi đợt thanh tra định kỳ, các trường chỉ cần tổ chức chuyển trụ sở, niêm phong hồ sơ tài liệu là có thể “đề nghị hoãn thanh tra”, có phải không, thưa quý Bộ?

…..

Bây giờ, hàng nghìn tấm bằng ĐH chính quy trở thành vô giá trị, tương ứng với nó là từng đấy học viên (trong đó có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ) khóc dở mếu dở vì trót “đổi tiền lấy bằng”. Môi trường giáo dục bị xáo trộn vì mất niềm tin khi “con voi chui lọt lỗ kim”. Không hiểu Bộ GD&ĐT còn lý giải nào hài hước hơn để tiếp tục ngụy biện???

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo Người đưa tin

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/be-boi-dai-hoc-dong-do-va-loi-nguy-bien-hai-huoc-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-63552.htm