Bé 6 tuổi nhập viện cấp cứu do bị ong vò vẽ đốt 90 nốt

Lên khu vực đồi phía gần nhà để chơi, cháu T. không may bị đàn ong vò vẽ đóng tổ trong bụi cây bay ra đốt.

Nhiều bệnh nhi ở Nghệ An bị ong đốt

Ngày 20/8, ông Cù Ngọc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An xác nhận, một cháu bé 6 tuổi trên địa bàn xã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt.

Cụ thể, vào khoảng hơn 15h ngày 9/8, cháu B.M.T (6 tuổi, trú thôn Hải Đồng, xã Nghĩa Lộc) cùng một người bạn lên khu vực đồi phía gần nhà để chơi. Tại đây, cháu T. không may bị đàn ong vò vẽ đóng tổ trong bụi cây bay ra đốt. Người bạn của T nhanh chân chạy thoát, còn cháu bị ong bâu lại đốt khoảng 90 nốt.

Anh Bùi Thanh Tuấn, bố cháu T. kể: “Ngay sau đó, gia đình phát hiện sự việc đã nhanh chóng đưa cháu xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để cấp cứu. Các bác sỹ cho biết cháu bị suy thận và viêm phổi rất nặng. Những ngày điều trị, do nguồn máu khan hiếm phải nhờ sự hiến máu kịp thời của các tình nguyện viên để lọc máu nên cháu mới qua cơn nguy kịch”.

Ngày 18/8, nhận được thông tin, chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự đã báo cáo Ban chủ nhiệm “Ngân hàng máu sống”, Công an tỉnh Nghệ An, đồng thời thông tin cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Sau khi biết mình có cùng nhóm máu với cháu B.M.T., Thiếu tá Nguyễn Quyết Thắng và Đại úy Hồ Bá Nhật, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự đã nhanh chóng đến Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh Nghệ An để hiến tặng 2 đơn vị máu, kịp thời cứu giúp bệnh nhân.

Điều đáng nói, gần 1 tháng qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tục tiếp nhận và cấp cứu nhiều trẻ nhỏ trong tình trạng tính mạng bị đe dọa, sốc phản vệ biến chứng suy đa tạng do bị ong đốt. Mới đây nhất, khoa Hồi sức Tích cực chống độc tiếp nhận trường hợp 3 chị em cùng một nhà bị ong vò vẽ đốt.

Ngày 5/8, 3 bé N.T.B.Y (11 tuổi), N.V.T. (5 tuổi), và N.T.K.N. (3 tuổi, đều trú tại huyện Yên Thành) rủ nhau chơi trốn tìm ngay trong vườn nhà, vô tình động phải tổ ong. Cả đàn ong lớn lao ra tấn công, người chị cả B.Y. ôm chầm, che chắn cho em út K.N.

Nghe tiếng các con khóc thét ngoài vườn, mẹ bé hốt hoảng kêu người giải cứu, và chuyển cả 3 bé xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Trong 3 bé, K.N. nhỏ tuổi nhất, sức khỏe yếu, và bị ong tấn công nhiều nhất nên tình trạng đang rất nguy kịch, phải áp dụng lọc máu liên tục, theo dõi sát sao.

Tương tự, vào 10h ngày 28/7, bé H.Y.N. (18 tháng tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn) cùng chị đang chơi ở vườn nhà động vào tổ ong nên bị tấn công. Lúc này, người mẹ đang nấu ăn trong bếp nhanh chóng chạy ra giải cứu.

Bé H.Y.N. mới 18 tháng tuổi đã bị ong đốt 150 nốt.

Bé H.Y.N. mới 18 tháng tuổi đã bị ong đốt 150 nốt.

Bé Y.N. được đem đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Bắc, và phải chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ngay khi tiếp nhận, êkíp cấp cứu nhận thấy tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, đau đớn nhiều, khắp cơ thể có trên 150 nốt sưng phù do ong vò vẽ đốt, tập trung nhiều nhất ở vùng đầu mặt (khoảng 100 nốt), đi kèm khó thở, tím tái.

Trải qua 8 ngày lọc máu liên tục, bệnh nhân thường xuyên bị báo động tình trạng tử vong cao, nhưng rất may mắn, dần dần, bé Y.N. đã đáp ứng phác đồ điều trị, dần hồi tỉnh, các chỉ số cơ thể đã trở lại bình thường.

Cách xử lý khi bị ong đốt

BSCKI. Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: “Hàng năm, mùa hè là thời điểm khoa ghi nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị. Có một số trường hợp bị loại ong đốt với nhiều vết chích trên cơ thể đã gây nên tình trạng rất nguy kịch, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ:.

Vì vậy, khi bị ong đốt, bệnh nhân cần được sơ cứu, theo dõi y tế ngay lập tức bởi các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, ngộ độc nọc ong có thể xuất hiện nhanh chóng. Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng.

Sau khi bị ong đốt cần phải đưa đến cơ sở y tế để chữa trị.

“Ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, phụ huynh cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị bị đốt nhiều hơn, và phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; Bị đốt vào các vùng đầu mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt...”, bác sĩ Mạnh nói.

Cũng theo bác sĩ Mạnh, các trường hợp cấp cứu do bị ong đốt trong thời gian qua, đa phần người nhà không để ý nên không biết tổ ong có ngay trong vườn nhà từ lúc nào, do đó không có sự phòng bị cho các trẻ nhỏ.

Vì vậy, để chủ động phòng tránh, theo bác sĩ Mạnh các bậc phụ huynh không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/be-6-tuoi-nhap-vien-cap-cuu-do-bi-ong-vo-ve-dot-90-not-a524881.html