Bé 3 tuổi ở Hà Nội phát hiện mắc bệnh KAWASAKI nguy hiểm khi sốt cao vài ngày

Sốt 3 ngày âm ỉ, đến ngày thứ 4 sốt cao liên tục không đỡ, bé trai 3 tuổi vào viện được chẩn đoán mắc bệnh Kawasaki. Đây là một bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể gây biến chứng lên tim mạch, thậm chí tử vong.

Theo chia sẻ của gia đình, bé Đ.V.N, 3 tuổi, ở Hà Nội bị sốt cao liên tục mấy ngày liền không đỡ. Trước đó, gia đình khi thấy bé sốt cũng đã đưa đi khám ở một phòng khám và được kê đơn điều trị bằng kháng sinh zithromax và mekocetin 3 ngày, sau dùng Augmentin 1 ngày, bé xuất hiện nổi ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mũi.

Sang ngày thứ 4, bé vẫn sốt cao không hạ, nhiệt độ cao nhất 38,5 - 39 độ C. Khi dùng thuốc không đỡ kèm theo nổi hạch ở vùng cổ hai bên khiến trẻ đau và quấy khóc nhiều, gia đình mới đưa vào BVĐK MEDLATEC cơ sở 2 khám.

Các bác sĩ đã thực hiện thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm và nội soi tai - mũi - họng cho thấy số lượng bạch cầu tăng, niêm mạc họng nề đỏ, thành sau họng có đọng dịch.

Trên hình ảnh siêu âm vùng cổ, góc hàm hai bên có nhiều hạch tăng kích thước, cấu trúc tủy vỏ rõ, hạch lớn nhất kích thước 20x13mm. Bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh Kawasaki. Hiện tại sau điều trị, trẻ đã hết sốt, các nốt hồng ban giảm đáng kể, chơi ngoan, ăn uống được và tiếp tục theo dõi.

Bàn tay của bé nổi nhiều ban đỏ. Ảnh BS

Bàn tay của bé nổi nhiều ban đỏ. Ảnh BS

BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi (BVĐK MEDLATEC) cho biết, bệnh Kawasaki là tình trạng sốt cấp hay kèm phát ban toàn thân ở trẻ nhỏ, với đặc điểm có viêm lan tỏa của hệ mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Đây là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh Kawasaki có thể chưa nghiêm trọng ngay nhưng gây biến chứng lên tim mạch. Các biểu hiện tim mạch hiểm nghèo như viêm tim, phình giãn động mạch vành gây đột tử, nhồi máu cơ tim ở trẻ nhỏ hay hẹp tắc và suy vành mạn tính về sau có thể gây tử vong.

Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này hiện nay chưa được xác định. Nhiều người lo lắng về bệnh này có tính lây truyền nhưng hiện chưa có một bằng chứng xác thực nào cho thấy bệnh này lây truyền. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm độc từ virus, vi khuẩn hoặc các yếu tố về chủng tộc có liên quan bệnh hay gặp ở trẻ em châu Á nhiều hơn các châu khác. Ngoài ra, yếu tố môi trường có thể là tác nhân gây bệnh.

Trẻ mắc bệnh Kawasaki cần được điều trị sớm. Ảnh TL

Để tránh những biến chứng, khi trẻ có những biểu hiện bất thường, đặc biệt là sốt kéo dài cần đưa tới cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Trẻ sẽ được dùng thuốc để ngăn ngừa tổn thương tại vành mạch. Bệnh Kawasaki điển hình có 3 giai đoạn với các biểu hiện sau:

+ Giai đoạn bệnh (khởi phát cấp tính): Người bệnh có biểu hiện sốt và kéo dài trên 5 ngày, với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường. Trẻ cũng có thể gặp những thay đổi ở niêm mạc môi miệng như môi đỏ, nứt môi, lở miệng, hồng ban lan tỏa ở hầu họng; Kết mạc mắt hai bên đỏ, không xuất tiết; Nổi hạch vùng cổ; Hồng ban đa dạng chủ yếu ở thân; Đỏ lòng bàn tay, bàn chân;Đau nhiều khớp.

+ Giai đoạn 2:

Người bệnh có biểu hiện tăng tiểu cầu, tăng máu lắng, tróc da và bệnh nhân dần dần hạ sốt. Biểu hiện này thường kéo dài khoảng 2 tuần.

+ Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục, các triệu chứng bệnh giảm dần. Lúc này cơ thể trẻ suy yếu cần được bồi dưỡng.

P.Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/be-3-tuoi-o-ha-noi-phat-hien-mac-benh-kawasaki-nguy-hiem-khi-sot-cao-vai-ngay-2021042920585412.htm