Bé 3 tuổi bị tắc ruột vì búi giun khổng lồ

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột bệnh nhi.

Mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn từng cơn, bé Dương Chí V. (3 tuổi, Thái Nguyên) được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên kiểm tra. Kết quả siêu âm cho thấy có nhiều búi giun trong lòng ruột của bé. V. được cho dùng thuốc tẩy giun. Sau đó, bé nôn ra giun, bụng chướng tăng dần, đau cơn.

Kết quả chụp X-quang bụng có hình ảnh mức dịch hơi. Trẻ được chẩn đoán tắc ruột do giun, chỉ định phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10 cm, có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Sau mổ, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định.

Em bé 3 tuổi bị tắc ruột do giun làm tổ. Ảnh: BVCC

Em bé 3 tuổi bị tắc ruột do giun làm tổ. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ cho biết trường hợp bệnh nhi này rất hy hữu, nhưng cũng cảnh báo tình trạng thiếu kiến thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em.

Tẩy giun cho trẻ đúng cách

Thông thường, trẻ em 24 tháng tuổi được khuyến cáo có thể tẩy giun như người lớn, tức 6 tháng/lần. Việc tẩy giun nên được tiến hành khi trẻ có các yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu tình nghi nhiễm giun.

Về yếu tố nguy cơ, đó có thể là do việc bé đi nhà trẻ. Trẻ ở tuổi mầm non thường rất dễ mắc giun kim. Một trẻ bị mắc giun kim khi bò hoặc ngồi chơi dưới đất, trứng giun kim sẽ rơi ra rồi theo tay hoặc đồ chơi vào miệng. Như vậy, trẻ dễ làm lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm trứng giun của chính mình.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn có thể căn cứ vào các dấu hiệu tình nghi của trẻ để chắc chắn việc có nên tẩy giun cho trẻ hay không:

- Ăn uống kém, hoặc có trường hợp vẫn ăn tốt nhưng không tăng cân, đau bụng vặt.

Trẻ nên bắt đầu được tẩy giun từ 2 tuổi. Ảnh: Parentingtip

- Nhiều giun đũa thường đau khi đói.

- Có thể nôn trớ, biểu hiện lợm giọng buồn nôn khi ngủ dậy buổi sáng.

- Đi ngoài phân lỏng. Khi có quá nhiều giun, có thể thấy nôn hoặc đi ngoài ra giun.

- Thiếu máu, da dẻ xanh xao, kém ngủ, đêm ngủ hay trằn trọc, hay nằm sấp, kém tập trung chú ý. Nếu bị nhiễm giun kim bé có thêm biểu hiện ngứa hậu môn, viêm đỏ.

Thực tế, nhiều bé sống ở thành phố, nhà cao tầng sạch sẽ, điều kiện vệ sinh tốt, hầu như ít bị nhiễm giun. Vì vậy, việc tẩy giun 6 tháng/lần có thể chỉ áp dụng cho những bé hay tiếp xúc với đất cát, điều kiện vệ sinh kém hoặc khi bố mẹ có bằng chứng xác thực về việc bé đã bị nhiễm giun.

Tuệ Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-bui-giun-lon-gay-tac-long-ruot-em-be-3-tuoi-post925418.html