Bé 14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Thủ phạm gây bệnh là gì?

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư hàng dầu ở phụ nữ. Đối với trẻ dưới 18 tuổi, các bác sĩ cho rằng ghi nhận ung thư cổ tử cung rất hiếm trong y văn.

Sốc vì ung thư

Bé N.B.T. (14 tuổi, trú tại Bình Dương) được bố mẹ đưa đi khám vì bé rong kinh 2 tuần liền người mệt mỏi, xanh xao. Khi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ nghi ngờ bé bị ung thư cổ tử cung nên giới thiệu cha mẹ bé đưa con đến bệnh viện Từ Dũ khám.

Tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ chẩn đoán bé bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối vì khối u đã xâm lấn rộng, chèn ép bàng quang, gây ra thận ứ nước. Bé được đưa sang bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tiếp tục điều trị.

Bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật cho bé. Tuy nhiên, ca mổ không thành công vì u của bé quá to, xâm lấn rộng ra toàn bộ tử cung, bàng quang, vách hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng nên chỉ sinh thiết và đóng vết mổ lại.

Bé gái đang được điều trị tại BV - Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Bé gái đang được điều trị tại BV - Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Bác sĩ điều trị cho em là bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Bác sĩ Tiến cho biết đây là trường hợp rất hiếm vì bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung khi còn quá trẻ.

Nhiều trường hợp mắc ung thư cổ tử cung nguyên nhân do mắc vi rút HPV từ quan hệ tình dục không an toàn. Bé gái này mới có kinh nguyệt và chưa từng quan hệ tình dục nên các bác sĩ cũng không rõ nguyên nhân từ đâu.

Bác sĩ Tiến cho biết theo y văn tại Mỹ, mỗi năm ghi nhận vài trường hợp bị ung thư cổ tử cung từ 15 – 19 tuổi. Còn lại ở phụ nữ ngoài 30 tuổi, nguyên nhân trực tiếp là họ mang vi rút HPV.

Ở những người trẻ dưới 19 tuổi, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây bệnh được cho là nhiễm vi rút HPV, có thể là nhiễm từ mẹ lúc sinh. Còn yếu tố di truyền rất hiếm, đến nay vẫn chưa xác định được.

Thủ phạm gây ung thư cổ tử cung là gì?

Mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng hơn 4100 phụ nữ mới phát hiện mình đang phải sống chung với ung thư cổ tử cung, và khoảng 2400 phụ nữ tử vong hàng năm vì căn bệnh này.

Ung thư cổ tử cung do các yếu tố nguy cơ như nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mắc các bệnh lây lan tình dục, hệ miễn dịch yếu và hút thuốc lá. Trong đó, thủ phạm gây ung thư cổ tử cung đã được chỉ ra là vi rút HPV.

Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung - Ảnh minh họa: Internet

Bình thường, các tế bào cổ tử cung lành vẫn sinh sôi và chết đi theo trật tự. Khi có sự xuất hiện của vi rút HPV nhất là tuýp 16 và 18 thì tế bào lành ở cổ tử cung bị đột biến gen và chuyển thành tế bào bất thường. Các tế bào bình thường sinh sôi và chết đi theo an bài nhưng tế bào ung thư thì sinh sôi vô tổ chức và không chết đi mà tích tụ thành khối bướu ung thư. Các tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận rồi lan tràn trong cơ thể.

Ung thư cổ tử cung có hai loại là ung thư tế bào vảy và ung thư tuyến. Để xác định ung thư cổ tử cung, bác sĩ dùng kềm bấm nhẹ chỗ nghi ngờ ung thư như vết loét, mụn nhỏ ở cổ tử cung để lấy miếng thịt nhỏ và sinh thiết giải phẫu tế bào học. Nếu có tế bào ác tính thì đó là ung thư còn các tế bào lành thì không phải ung thư.

Khi xác định bệnh ung thư, bác sĩ có thể chụp cộng hưởng từ đế xem ung thư đã lan tràn khỏi cổ tử cung. Nếu như ung thư muộn, ăn lan đến các cơ quan trực tràng, bàng quang, phổi, gan, và xương thì việc điều trị vô cùng khó khăn. Bệnh nhân chỉ có thể điều trị hóa trị, xạ trị vì phẫu trị triệt tận gốc ung thư lúc này không thể nữa.

Về dấu hiệu ung thư cổ tử cung, theo bác sĩ Tiến, có đến 80% người bệnh xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là sau khi giao hợp. Nhiều người mãn kinh đã lâu nhưng âm đạo đột nhiên ra máu bất thường.

Dấu hiệu khác là vùng bụng dưới hoặc lưng thường đau mỏi, mức độ tăng lên trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi đi vệ sinh. Khí hư ra nhiều, màu sắc bất thường và có mùi khó chịu.

Bắt đầu từ lúc nhiễm vi rút HPV (gây ra những triệu chứng bất thường cho tế bào cổ tử cung, dẫn đến tổn thương tiền ung thư) đến thời điểm ung thư, thời gian thường kéo dài khoảng độ 10-15 năm. Nếu như sự tiến triển này được phát hiện kịp thời thì các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị, ngăn ngừa ung thư phát triển và di căn đến các bộ phận khác.

Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, cách tốt nhất là khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần với phụ nữ trên 30 tuổi kèm theo thực hiện xét nghiệm tế bào âm đạo. Với phụ nữ có vi rút HPV cần sàng lọc thường xuyên hơn để phát hiện tổn thương tiền ung thư sớm nhất.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bác sĩ Tiến cho biết cách tốt nhất là tiêm phòng vắc xin HPV, nhất là thiếu nữ chưa quan hệ tình dục nên tiêm phòng để tránh mắc bệnh này.

Bảo Lâm

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/be-14-tuoi-bi-ung-thu-co-tu-cung-giai-doan-cuoi-thu-pham-gay-benh-la-gi-c25a314999.html