BĐBP sẵn sàng ứng phó và giúp dân khắc phục thiệt hại do bão số 3

Trước những diễn biến bất thường của bão số 3 (tên gọi quốc tế là WIPHA), với phương châm '4 tại chỗ', lực lượng BĐBP đã luôn duy trì quân số trực, bám sát, theo dõi tình hình diễn biến của bão, để có những phương án ứng phó phù hợp, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP còn chủ động, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt về con người và phương tiện để kịp thời xử lý mọi tình huống, giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tràng Cát, BĐBP Hải Phòng cùng ngư dân chằng néo tàu, thuyền tại cảng cá Mắt Rồng. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Tràng Cát, BĐBP Hải Phòng cùng ngư dân chằng néo tàu, thuyền tại cảng cá Mắt Rồng. Ảnh: Viết Hà

Bão số 3 được hình thành trên biển Đông từ vùng áp thấp nhiệt đới, trước đó là áp thấp. Theo các chuyên gia của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào 12 giờ ngày 2-8, bão số 3 cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng 160km về phía Đông, sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển chậm, từ 5-10km/giờ. Vào chiều tối và đêm 2-8, bão áp sát vào bờ và đi vào khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Ngay từ sáng 2-8, theo quan trắc tại một số trạm khí tượng ở Cô Tô, Cửa Ông, Tiên Yên, Quảng Hà, khí áp đang giảm mạnh và đây là một trong những yếu tố cho thấy bão sẽ quét qua khu vực này.

Khi đổ bộ vào bờ, bão số 3 có sức gió không mạnh, nhưng lại có hoàn lưu tác động rộng, kèm mưa dài ngày trên diện rộng. Đặc biệt, bão số 3 đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường mạnh nhất, nên sẽ gây nguy hiểm cho các công trình và dân cư ven biển, gây ngập úng cho các đô thị rất lớn, do mưa lớn từ ngày 1 đến 4-8, tại các tỉnh Đông Bắc bộ, Bắc bộ và Bắc Trung bộ, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-300mm, có nơi trên 400mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc bộ, các tỉnh Bắc Trung bộ; trong đó, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An.

Trước diễn biến bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra rất phức tạp, khó lường, chiều tối 1-8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có Công điện hỏa tốc số 09/CĐ-TW yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Để sẵn sàng ứng phó với bão số 3, theo Đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Bộ Quốc phòng đã có công điện chỉ đạo từ khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới vào sáng 1-8 và tiếp tục có công điện chỉ đạo các đơn vị quân đội trong vùng ảnh hưởng của bão sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó. Tổng số lực lượng quân đội trực tại các tỉnh từ Nghệ An trở ra là hơn 377.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, hơn 2.300 phương tiện các loại, trong đó có phương tiện đặc chủng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, bão, địa hình bị chia cắt và lên phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương để ứng phó, có phương án sơ tán dân. Trong 2 ngày 1 và 2-8, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo lực lượng các quân khu cử các đoàn đi ứng phó với bão và mưa sau bão số 3 theo 3 hướng Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình - Nam Định và các tỉnh miền núi phía Bắc.

Về phía BĐBP, Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng BĐBP, cho biết: “Tính đến 6 giờ, ngày 2-8, để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có 3 công điện chỉ đạo và đôn đốc các đơn vị BĐBP ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi. Theo đó, các đơn vị BĐBP đã phối hợp cùng địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về bờ và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (đặc biệt là số tàu đang hoạt động di chuyển tránh bão ở khu vực biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa); tổ chức sắp xếp neo đậu cho tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các bến, âu tàu, bến cảng; vận động di dời ngư dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản vào bờ, đảm bảo an toàn và đã hoàn thành xong trước 17 giờ, ngày 1-8. Ngoài ra, các đơn vị vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đã chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống”.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh kêu gọi ngư dân về nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Quang Anh

Cụ thể là, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định của Chính phủ; đồng thời, phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.635 phương tiện/284.989 người; 757 tàu du lịch, tàu khách; 218 tàu vận tải/981 thuyền viên; 31 tàu nước ngoài/662 thuyền viên biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Đại tá Phạm Xuân Diệu cho biết thêm, BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa luôn duy trì thường trực 6.884 cán bộ, chiến sĩ/300 phương tiện (34 tàu, 98 ca nô xuồng, 168 ô tô) tham gia kêu gọi, sắp xếp neo đậu tàu thuyền và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.

Riêng BĐBP các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa cử cán bộ và độc lập thành lập 15 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại các đơn vị, địa phương.

Đồng thời, BĐBP các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định cũng đã điều động 2.168 lượt cán bộ, chiến sĩ/250 lượt phương tiện phối hợp cùng địa phương, các lực lượng triển khai công tác phòng, chống bão, vận động 16.641 người trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ tránh bão chủ động tham gia khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-san-sang-ung-pho-va-giup-dan-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-so-3/