BĐBP An Giang với 'cuộc chiến' chống buôn lậu đường, thuốc lá

BĐBP An Giang quản lý đường biên giới dài gần 100km, đi qua 5 huyện, thị, thành phố và 18 xã, phường, thị trấn biên giới, với địa hình tương đối bằng phẳng. Trong những tháng đầu năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trên tuyến biên giới tỉnh An Giang diễn biến phức tạp.

Tang vật đường cát Thái Lan thẩm lậu qua biên giới. Ảnh: Trọng Hà

Đại tá Phan Minh Huyền, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP An Giang cho biết: Thuốc lá từ Cam-pu-chia vận chuyển vào Việt Nam bán lãi từ 2.500 - 4.000 đồng/gói; đường cát lãi từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Do đó, tình trạng buôn lậu các mặt hàng này luôn diễn ra sôi động. Các đối tượng buôn lậu sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Các đối tượng cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây xuyên biên giới có tính chuyên nghiệp, khép kín... Hàng hóa được chúng tập kết sát biên giới, khi có thời cơ, các đối tượng dùng vỏ lãi, xuồng cao tốc vận chuyển bất ngờ vào Việt Nam hoặc thuê người xé lẻ hàng rồi đai vác qua biên giới. Cũng có khi chúng chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ, ngụy trang, cất giấu rất tinh vi. Số lượng hàng chúng vận chuyển cũng vừa phải, nếu bị bắt thì chưa đủ điều kiện để khởi tố. Chúng cho người theo dõi, giám sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay tại đồn, trạm, chốt để thông báo cho nhau đối phó, né tránh.

Đặc biệt, các đối tượng đầu nậu thường gắn trách nhiệm bồi thường đối với người đai vác thuê. Vì thế, khi bị bắt giữ hàng, các đối tượng thường lôi kéo người thân, phụ nữ, thanh niên, trẻ em tới cướp lại hàng, chống người thi hành công vụ... Các đầu nậu không trực tiếp tham gia chỉ huy vận chuyển mà chỉ đạo đối tượng từ xa bằng điện thoại di động nên rất khó bị bắt giữ.

Ngoài các thủ đoạn nêu trên, có đối tượng buôn lậu đường cát Thái Lan còn quay vòng hóa đơn mua hàng tịch thu, các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi, để hợp thức hóa hàng nhập lậu. Tại một số địa bàn trên tuyến biên giới có một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đường phèn, nên các đối tượng vận chuyển đường từ biên giới đưa thẳng vào các cơ sở sản xuất đường phèn sơ chế. Sau đó, chúng thay đổi bao bì để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, BĐBP An Giang bắt 93 vụ, 17 đối tượng; tang vật thu giữ gồm: 93.940 gói thuốc lá ngoại các loại; 36.400kg đường cát. Điển hình là vụ: 20 giờ, ngày 14-3, tại địa bàn xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện 2 ô tô chở các bao tải màu trắng chạy hướng Long Bình về thành phố Châu Đốc. Khi dừng xe kiểm tra, Đội công tác phát hiện trên 2 xe chở 320 bao đường cát trắng (mỗi bao 50kg).

Tài xế Lê Hoàng Trọng (sinh năm 1983, ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tài xế khai, lấy đường từ kho bà Trương Thị Dung (ngụ tại xã Khánh An) chở về các chợ tiêu thụ. Đội công tác tiến hành kiểm tra kho của bà Dung, phát hiện trong kho có 1 xe tải, trên xe có 70 bao đường (mỗi bao 50kg). Khi bị phát hiện, các đối tượng trông kho bỏ chạy, để lại các vỏ bao đựng đường có nhãn mác xuất xứ Campuchia. Tổng trọng lượng 19.500kg đường, trị giá khoảng 250 triệu đồng.

Trước đó, vào khoảng 23 giờ 30 phút, ngày 23-2-2018, Đội Đặc nhiệm tỉnh phối hợp Đồn Biên phòng Đồng Đức tổ chức mật phục trên Quốc lộ 91C, thuộc ấp Đồng Ki, xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang, phát hiện chiếc xe bán tải chạy với tốc độ cao từ hướng xã Khánh An về thị trấn An Phú có biểu hiện nghi vấn. Đội công tác ra hiệu lệnh dừng lại để kiểm tra thì tài xế tăng tốc chạy. Đội công tác tổ chức đuổi theo, đến bến đò Đồng Ki - Phú Hữu thì tài xế xe bán tải bỏ lại phương tiện, tẩu thoát. Đội công tác kiểm tra phương tiện, phát hiện bên trong có 25 bao tải màu trắng đựng 8.000 gói thuốc lá nhập lậu các loại.

Đại tá Phan Minh Huyền cho biết: Để hạn chế tình trạng buôn lậu, GLTM, trong 6 tháng cuối năm 2018, BĐBP An Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, siết chặt các “điểm nóng” ở các cửa ngõ biên giới; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, GLTM, hàng giả trên khu vực biên giới.

Đồng thời, đơn vị phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Quản lý thị trường đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu tại địa bàn trọng điểm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân để họ không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu.n

Trọng Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bdbp-an-giang-voi-cuoc-chien-chong-buon-lau-duong-thuoc-la/